Sau khi thử hết các biện pháp để giảm tốc, tài xế cần cho xe đâm vào vách núi hoặc đường tránh để giảm tốc.
Mất phanh là một trong những sự cố nguy hiểm nhất khi xe lăn bánh trên đường. Đối với đường đồng bằng, không dốc, tài xế có thể có nhiều lựa chọn khi xe sẽ từ từ giảm tốc nếu không ga. Nhưng trên đường đèo dốc, dù không ga, nhưng do quán tính, tác dụng của trọng lực mà tốc độ ngày càng cao, đặc biệt nguy hiểm.
Trong video này, tài xế đã bình tĩnh đánh lái liên tục sau đó trả về số thấp, đến khi xe đã giảm tốc độ thì tìm vách núi đâm vào để buộc xe dừng an toàn. Dưới đây là hướng dẫn xử lý khi mất phanh trên đèo với xe số tự động, theo lời khuyên của những tài xế kinh nghiệm và các chuyên gia đào tạo.
1. Bình tĩnh, phát tín hiệu
Trước tiên tài xế cần bình tĩnh. Trong video trên có thể thấy tài xế rất bình tĩnh, sau khi chút bất ngờ vì phát hiện xe mất phanh, đã trấn an người đi cùng và tìm cách xử lý tình huống.
Sau khi bình tĩnh, cần phát tín hiệu cho xe khác biết tình hình bằng cách bấm còi liên tục đồng thời bật đèn tín hiệu khẩn cấp, thậm chí mở cửa sổ để thông báo nếu cần thiết.
2. Giảm tốc
Giảm tốc với xe số tự động cũng như xe số sàn. Trước tiên nhả toàn bộ chân ga, thử chân phanh bằng cách đạp nhả liên tục một vài lần, có thể phục hồi phanh do hệ thống dầu mất áp suất hoặc bó cứng.
Nếu thử chân phanh không hiệu quả, lập tức chuyển sang phanh động cơ kết hợp phanh tay. Phanh động cơ tức dùng số. Chuyển cần số về D3, rồi D2, D1 tương ứng để động cơ hãm xe lại từ từ. Trên một số xe có thể là chế độ số tay M (+,-) hoặc số thể thao S (+,-), với kiểu ký hiệu này thì chuyển về (-) đến số thấp.
Bên cạnh đưa cần số về số thấp, tài xế kéo từ từ phanh tay để cảm nhận độ bám. Không giật mạnh phanh tay bởi xe đang chạy nhanh, mà phanh tay chỉ tác dụng vào hai phanh sau, có thể khiến xe khóa bánh, mất lái. Nếu sau khi kéo phanh tay mà xe có cảm giác trượt, mất lái, lập tức hạ phanh tay để lấy lái.
3. Không tắt máy
Trong suốt quá trình lưu ý không được tắt máy, vì khi tắt máy đồng nghĩa tắt trợ lực vô-lăng, không thể điều khiển xe. Đồng thời ở tốc độ cao, nếu tắt máy bất ngờ sẽ dẫn tới mất kiểm soát do động cơ ngừng đột ngột, quán tính lớn.
4. Tìm vật cản đâm vào
Bước cuối cùng là tìm vật cản đâm vào, vì trên đường đèo dốc, xe sẽ không thể dừng lại mặc dù không hề đạp ga và đã kéo phanh tay. Khi chưa tìm được điểm hợp lý để đâm xe, nên chạy theo đường zig zag để tăng quãng đường cũng như giảm dần tốc độ.
Trên đường đèo dốc, lựa chọn phù hợp nhất là bên sườn núi, có thể có rãnh thoát nước. Không đâm sang taluy âm vì xe có thể đâm bay lan can và lao xuống vực. Lựa chọn thứ hai là đường thoát nạn, nhưng không có sẵn như vách núi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.