Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm hành lang sông Nhuệ đoạn qua huyện Thanh Trì: Những nỗ lực đáng ghi nhận

Thanh Hải| 18/09/2017 07:21

(HNM) - Sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn huyện Thanh Trì giữ vị trí quan trọng trong công tác thoát lũ, tưới tiêu cho nhiều quận, huyện của TP Hà Nội. Để khơi thông dòng chảy, xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ sông, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận.

Khơi thông dòng chảy sông Nhuệ trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Linh Ngọc


Tăng cường tuyên truyền, vận động

Sông Nhuệ, đoạn từ cầu Hữu Hòa đến xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) giờ chỉ hẹp như con kênh, dọc hai bên bờ là hàng trăm nhà kiên cố, nhà tạm, lều lán của người dân lấn chiếm. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hợi, thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì phụ trách địa bàn xã Tả Thanh Oai cho biết, các hộ lấn chiếm ở đây từ hàng chục năm trước nên rất khó xử lý.

"Trước năm 2016, tình trạng này còn nhức nhối hơn nhiều. Hàng quán lấn chiếm, một số nhà tạm dựng lên để làm nơi trông giữ vật liệu xây dựng. Thậm chí tại gần cầu Hữu Hòa, họ còn đặt cả container để làm nhà ở, tiện cho việc tập kết vật liệu xây dựng. Cứ như thế, các đối tượng ở nơi khác đến tụ tập, sinh hoạt gây mất vệ sinh, an ninh trật tự. Trên bờ là vậy, còn dưới lòng sông cũng bị ô nhiễm nặng do người dân lấn chiếm và đổ rác rất mất vệ sinh, làm cản trở đến lưu lượng dòng chảy" - ông Hợi cho biết.

Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình đã khác nhiều.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, sau khi UBND huyện chỉ đạo, UBND xã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn vào cuộc rà soát, xác định hiện có 369 trường hợp có công trình tồn tại ở cơ đê sông Nhuệ.

“Để giải quyết dứt điểm vi phạm, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động. Qua đó, đã có 56 gia đình gần cầu Hữu Hòa, cầu Cự Đà và các đoạn đường hẹp, khúc cua khuất tầm quan sát tự tháo dỡ công trình trả lại hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, có gần 300 hộ tháo dỡ công trình lùi vào 2m để mở rộng đường... Mặt khác, UBND xã còn thu gom, vận chuyển hơn 2.000m3 phế thải xây dựng và khoảng 400m3 rác thải chở đi xử lý. Hiện, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ còn lại chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm” - ông Hưng cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, tại những khu vực dễ có nguy cơ xảy ra lấn chiếm hoặc những nơi như tổ 8 cầu Bươu, khi giải tỏa xong các công trình vi phạm, xã tiến hành làm bê tông ta luy kiên cố, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan đẹp, qua đó ngăn ngừa lấn chiếm và giảm nguy cơ tai nạn cho người dân khi đi trên tuyến đường Tả Thanh Oai.

Cần mạnh tay với tái lấn chiếm

Tuy nhiên, nếu so sánh với những vi phạm còn tồn tại thì những gì mà xã Tả Thanh Oai làm được chưa phải là nhiều. Không ít hộ ở đây từ hàng chục năm trước, có những hộ đã sinh sống qua mấy đời nên lãnh đạo xã và các đơn vị chức năng mới chỉ thống kê, khoanh vùng lại.

Ông Nguyễn Viết Hợi cho biết thêm: "Với những công trình vi phạm mới phát sinh, chúng tôi kiên quyết xử lý dù gặp không ít khó khăn. Nhiều khi, chính quyền xã vừa tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm thì hôm sau họ lại dựng lên, hoặc dỡ đằng trước, họ lại lấn đằng sau. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tiến Hưng, tất cả những phát sinh mới đều được lãnh đạo xã kiên quyết xử lý, không để tiếp diễn. Với những hộ có sổ đỏ, hoặc có hiển thị trên bản đồ năm 1994 thì xã sẽ xin ý kiến chỉ đạo, các trường hợp khác đều phải tháo dỡ.

Số liệu của UBND huyện Thanh Trì thông tin cũng đã khẳng định những nỗ lực này. Theo đó, các xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức 5 đợt ra quân tổng vệ sinh thu gom rác thải và tự giác tháo dỡ, giải tỏa triệt để, toàn bộ các lều lán, cửa hàng kinh doanh, điểm tập kết vật liệu xây dựng, chợ cóc, chợ tạm... gây cản trở giao thông, trật tự công cộng, trật tự văn minh thương mại tạo đường thông, hè thoáng; cắt tỉa cành cây khơi thông dòng chảy dọc hai bờ sông Nhuệ.

Kết quả đã vận chuyển khoảng 2.850 tấn rác thải; tuyên truyền, vận động, tháo dỡ 57 công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông; giải tỏa 10 điểm tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông; đào đắp 3.800m3 ta luy hai bên bờ sông Nhuệ; trồng mới 100 cây bưởi Diễn, 11 cây cau vua, 175 cây lát xoan và bồn hoa cây cảnh tại các khu vực giải tỏa...

Rõ ràng, việc cải tạo, vệ sinh môi trường sông Nhuệ tại 2 xã trên địa bàn huyện Thanh Trì là việc làm hết sức cần thiết. Bởi nó không những góp phần gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường cho sông Nhuệ mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông. Với những nỗ lực hiện tại và quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xử lý dứt điểm vi phạm và chống tái lấn chiếm, chắc chắn, thời gian tới, tuyến sông Nhuệ qua địa bàn huyện Thanh Trì sẽ đổi thay một cách tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm hành lang sông Nhuệ đoạn qua huyện Thanh Trì: Những nỗ lực đáng ghi nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.