Gần hết thời hạn xử lý các trường hợp vi phạm đất đai xảy ra trong năm 2022 theo chỉ đạo của UBND huyện Ứng Hòa, thế nhưng đến nay, UBND xã Đồng Tiến vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, lập kế hoạch tổ chức cưỡng chế....
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, trong năm 2022, do buông lỏng công tác quản lý nên nhiều vi phạm về đất đai ở xã Đồng Tiến đã không được phát hiện kịp thời. Đặc biệt, dù đã ra thông báo dừng xây dựng, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng do không xử lý kiên quyết, dứt điểm… nên đã có tới 16 trường hợp vi phạm đất đai, tập trung ở thôn Đoàn Xá.
Trong số này, có 12 trường hợp tự ý chuyển đổi từ đất trồng cây hằng năm sang đất phi nông nghiệp (xây nhà kiên cố, xây nhà cấp 4 trông nom vườn cây, sân, công trình phụ…); 1 trường hợp vừa tự ý chuyển đổi từ đất trồng cây hằng năm sang đất phi nông nghiệp, vừa xây dựng công trình trong hành lang đê; 3 trường hợp lấn chiếm đất công.
Trước thực trạng vi phạm nêu trên, UBND huyện Ứng Hòa đã tổ chức thanh tra công vụ đối với Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến trong việc thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, UBND huyện Ứng Hòa yêu cầu UBND xã Đồng Tiến xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trong năm 2022, thời điểm hoàn thành trong tháng 9-2023.
Mặc dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mới có 8 trường hợp xin tự tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng đều thực hiện nửa vời, chưa triệt để. Các trường hợp còn lại chưa được xử lý dù hầu hết đều đã được UBND xã Đồng Tiến ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra, quyết định cưỡng chế… Đối với một số trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trong hành lang đê tả sông Đáy, UBND xã Đồng Tiến tiếp tục mời các cơ quan chức năng về xác định rõ thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.
Lý giải nguyên nhân vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến Phạm Văn Hưởng cho biết: Việc xây dựng công trình thường diễn ra vào ngày nghỉ, lễ, Tết, ban đêm…, nên việc xác định thời điểm các hộ lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gặp khó khăn. Đặc biệt, Đoàn Xá là thôn có nhiều hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây hằng năm sang xây dựng công trình do họ không còn chỗ ở nào khác. Chưa kể, trở ngại nữa là hiện nay, UBND xã không còn lưu trữ hồ sơ giao ruộng năm 1993 của các hộ nên thiếu căn cứ để xác định kịp thời vi phạm. Hơn nữa, do một số công trình xây dựng 2-3 tầng nằm trong khu dân cư nên không thuê được nhân công tháo dỡ, đã ảnh hưởng đến tiến độ xử lý vi phạm.
Cũng theo ông Phạm Văn Hưởng, để giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ tự giác tháo dỡ, UBND xã sẽ lập kế hoạch cưỡng chế đối với các hộ thuộc thẩm quyền. Riêng với các hộ xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê tả sông Đáy, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để xử lý.
Vi phạm đất đai tại xã Đồng Tiến đã rõ ràng, việc chậm xử lý thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại. Đề nghị UBND xã Đồng Tiến đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm vi phạm; đồng thời, phải quyết liệt hơn trong công tác quản lý đất đai để mọi vi phạm phải được xử lý ngay từ thời điểm phát sinh, tránh để hình thành “vết dầu loang”, vừa khó cho địa phương khi xử lý, vừa gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.