(HNM) - Không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động; không thực hiện quan trắc môi trường, đo lường các yếu tố gây hại tại nơi làm việc; không kiểm tra định kỳ kỹ thuật an toàn cho máy và các thiết bị…
Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân sẽ giúp giảm thiểu tai nạn, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Nhật Nam |
“Nhiều không” trong thực hiện an toàn, vệ sinh lao động
Thống kê từ Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cơ quan quản lý mới nhận được 202 biên bản điều tra trên tổng số gần 8.000 vụ tai nạn lao động xảy ra từ đầu năm 2016 đến nay, trong đó hơn 40% vụ có trách nhiệm của người sử dụng lao động. Cũng theo thống kê này có hơn 90% doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động... Vi phạm an toàn, vệ sinh lao động diễn ra phổ biến nhưng mới chỉ có hơn 1.300 quyết định xử phạt trong lĩnh vực này được ban hành (từ năm 2013 đến nay); trung bình mỗi năm chỉ có 0,22% doanh nghiệp trên cả nước được thanh tra pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động… Những con số này cho thấy công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, các hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động phổ biến là: Không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động; không khai báo khi xảy ra tai nạn lao động… Nguyên nhân là do việc chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa được lãnh đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nhận thức của người sử dụng lao động về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều lao động chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp...
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH Hà Đình Bốn cho biết: Vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tồn tại ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính (áp dụng theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP và được sửa đổi tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7-10-2015, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, mức xử phạt thấp, không tương xứng với mức độ vi phạm cũng như không đủ sức răn đe; thời hạn ngắn, gây khó khăn cho đối tượng vi phạm khắc phục và thực hiện giải trình; trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu, chưa đủ tính thuyết phục trong việc chỉ ra lỗi cho doanh nghiệp; khó vận động người làm chứng khi đối tượng vi phạm không chịu ký biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt của thanh tra sở quá thấp (dưới 37,5 triệu đồng)…
Một khó khăn đáng kể khác, theo ông Hà Tất Thắng là do nguồn kinh phí dành cho việc quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp rất hạn hẹp. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước chưa bố trí được nguồn ngân sách cho lĩnh vực này theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 5-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020.
Cần chế tài đủ mạnh
Trước những bất cập trên, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: "Cần có chế tài xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra cần tăng cường hơn nữa. Chỉ có xử lý nghiêm minh, mạnh tay, mới có tác dụng răn đe, đẩy lùi tình trạng nhờn luật". Đối với doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, để xảy ra tai nạn lao động, chủ động thỏa thuận với nạn nhân để giấu thông tin, đại diện Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Sẽ phối hợp với Vụ Pháp chế đề xuất sửa Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, chú trọng xử phạt những hành vi che giấu hoặc khai báo sai về các vụ tai nạn lao động.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách; đồng thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động một cách kịp thời, đầy đủ; bổ sung các chế tài với hành vi vi phạm mới nhằm bảo đảm tính tuân thủ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm an toàn, vệ sinh lao động; tăng thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền so với quy định hiện hành...
Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam Chang-hee Lee cho rằng, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, Việt Nam cần có những hình thức khuyến khích các doanh nghiệp chủ động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thanh tra để phát hiện những vi phạm, kịp thời kiến nghị doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Để giảm thiểu tai nạn lao động, theo ông Tạ Văn Dưỡng, Phó Trưởng ban Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, ngoài ý thức tự bảo vệ của người lao động, việc tuân thủ quy định pháp luật an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động còn cần sự vào cuộc sát sao, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nhất là những đơn vị, cá nhân sử dụng người lao động để xảy ra tai nạn lao động. Quan trọng hơn cả, các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phòng ngừa hiệu quả tai nạn lao động, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.