Bạn đọc

Xử lý tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng sai quy định: Phải có chế tài mạnh

Nguyên Hà 23/08/2023 - 06:49

Vì lợi nhuận, nhiều đơn vị kinh doanh bến, bãi dọc sông Hồng đã ngày đêm tập kết, kinh doanh, vận chuyển vật liệu xây dựng sai quy định. Chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhưng do thiếu biện pháp mạnh để ngăn chặn, xử lý nên các vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

mot-bai-tap-ket-kinh-doanh.jpg
Một bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng sai quy định tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Đất nông nghiệp bị “biến dạng”

Ngày 19-8-2023, quan sát thực tế trên địa bàn thị trấn Phú Minh, xã Hồng Thái và xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp đang bị “biến” thành điểm tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Nguyễn Văn Hoàn, một người dân thị trấn Phú Minh cho biết, việc kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn hình thành đã khá lâu. Để có thêm mặt bằng tập kết vật liệu, các chủ bãi thường thuê lại đất ruộng, đất trồng rau dọc sông Hồng của người dân, rồi sau đó san gạt, mở đường cho các phương tiện ngày đêm ra vào vận chuyển.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu cho biết, để ngăn chặn hành vi tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng sai quy định, vừa qua, UBND huyện đã kiểm tra, ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều với số tiền là 285 triệu đồng với các đối tượng vi phạm. Nhưng chỉ được một thời gian, các đơn vị kinh doanh lại tái diễn hành vi vi phạm.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; các khu đất bãi sông Hồng, sông Cà Lồ, đoạn qua địa bàn các xã Hải Bối, Đông Trù, Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Do liên tục phải “oằn mình chống đỡ" trọng tải của các phương tiện, hàng nghìn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân xung quanh bị cày nát, nhiều điểm trên mặt đê sông Hồng đoạn đi qua địa bàn các xã có điểm tập kết, trung chuyển vật liệu bị biến thành “ổ trâu, ổ voi”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân khu vực.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Mai Văn Ngần thông tin, trên địa bàn xã hiện có 5 doanh nghiệp có phép đang hoạt động kinh doanh cát, sỏi. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm Điều 12, Nghị định số 179/NĐ-CP ngày 14-11-2013 và Điều 8, Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 10-11-2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực đất đai.

Để ngăn chặn việc tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, từ ngày 20-4-2023 đến nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trên chấp hành quy định pháp luật về đất đai, đê điều, môi trường. Đồng thời, chính quyền xã phối hợp Hạt Quản lý đê huyện Thường Tín, Đội Thanh tra giao thông, Công an huyện kiểm tra, yêu cầu chủ bến, bãi di chuyển vật liệu, máy móc ra khỏi khu vực bãi sông, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Thế nhưng, sau khi tổ công tác rời khỏi hiện trường, các doanh nghiệp lại tái phạm.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn, trên địa bàn huyện hiện có 19 điểm tập kết cát, sỏi đang hoạt động. Để xử lý các vi phạm về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, đất đai, nhất là việc giải tỏa các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu, ngày 23-3-2023, UBND huyện Đông Anh đã có Văn bản số 569/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý, giải tỏa tình trạng khai thác cát, sỏi và các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại các xã ven sông trên địa bàn huyện.

Tổ công tác liên ngành của huyện đã thường xuyên đôn đốc chính quyền các địa phương thực hiện kiểm tra hiện trạng, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng sai quy định; đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế, buộc chủ bến, bãi khôi phục lại hiện trạng đất và lập rào chắn tại các lối ra vào bãi tập kết. Tuy nhiên, mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, chủ bãi lại tái phạm. Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên nhân là do việc triển khai xử lý, đình chỉ, giải tỏa vi phạm của các bến bãi trung chuyển chưa dứt điểm, thiếu kiên quyết của một số chính quyền xã; ngoài ra là sự thiếu đồng bộ trong xử lý vi phạm giữa các xã trên địa bàn huyện...

Có thể nhận thấy việc xử lý các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng thời gian qua chưa được giải quyết triệt để là do sự phối hợp giữa chính quyền với lực lượng chức năng chưa được chặt chẽ. Để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường, đề nghị các cơ quan chức năng cùng các cấp chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, có chế tài mạnh với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng sai quy định: Phải có chế tài mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.