(HNM) - Nhiều năm nay, tình trạng lộn xộn bởi sự ùn tắc phương tiện giao thông, lấn chiếm vỉa hè, bán hàng rong trước cổng các bệnh viện không chỉ ảnh hưởng tới công tác khám, điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân mà còn gây mất trật tự mỹ quan đô thị...
Vỉa hè trước cổng Bệnh viện K bị chiếm dụng làm nơi bán hàng nước. Ảnh: Anh Tuấn |
Bất kể thời điểm nào, khu vực cổng chính và phụ Bệnh viện Bạch Mai nằm trên đường Giải Phóng và phố Phương Mai cũng trong tình trạng ùn tắc, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các phương tiện ra, vào bệnh viện. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chỉ riêng tình trạng taxi đón, trả khách tùy tiện; những gánh hàng rong tự phát; xe ôm đón khách… cũng đã gây ùn tắc. Dù nhiều lần lực lượng chức năng đã ra quân xử lý, nhưng tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông ở đây vẫn tái diễn, nhất là vào khung giờ cao điểm (từ 16h đến 18h30).
Chị Dương Kim Dung, sống ở phố Phương Mai cho biết, lượng người lưu thông ở khu vực này lớn trong khi ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện lại kém. Nhiều lái xe taxi điều khiển xe với tốc độ “rùa bò”, thậm chí dừng xe giữa đường để đón khách, khiến các phương tiện lưu thông phía sau bị cản trở, giao thông càng thêm ùn tắc.
Tương tự, trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm) cũng thường xảy ra ùn tắc giao thông do trông giữ xe máy, hàng quán lấn chiếm vỉa hè gây ra. Người đi bộ phải chen lẫn với các phương tiện tham gia giao thông dưới lòng đường. Gần đó, tình trạng an ninh trật tự tại khu vực trước cổng Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện K trung ương (cơ sở 1) dù tốt hơn so với Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nhưng lực lượng cảnh sát giao thông, bảo vệ của bệnh viện phải nhắc nhở người dân thường xuyên; yêu cầu không bán hàng rong ở khu vực cổng bệnh viện, tránh ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông.
Anh Nguyễn Mạnh Tuân (36 tuổi ở đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai) chăm sóc vợ vừa sinh con tại Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, dù đa số các bệnh viện đều có lực lượng bảo vệ, cảnh sát khu vực nhắc nhở và giờ cao điểm còn thêm lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ phân luồng, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, lái xe taxi không tuân thủ quy định, đỗ dừng tùy tiện, rồi xe ôm, hàng rong cũng nhanh chóng “bủa vây” cổng viện…
Trong khi đó, nhiều bệnh viện không có chỗ để xe cho người dân, bệnh nhân đến thăm khám, điều trị nên nhiều tuyến đường, hè phố trước cổng bệnh viện đã được trưng dụng thành nơi trông giữ xe. Bên cạnh đó, không phải bệnh viện nào cũng nằm trên các tuyến phố có vỉa hè và đường rộng. Chính vì vậy, chỉ cần một phương tiện dừng, đỗ trái quy định, người bán hàng rong, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, sẽ gây cảnh ùn tắc, tai nạn giao thông…
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày, tại đây tiếp nhận hơn 6.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 bệnh nhân nội trú cùng hàng nghìn người nhà bệnh nhân, hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên, 2.000 sinh viên đến học tập. Với số lượng người như vậy, việc điều phối mạng lưới giao thông, đáp ứng được yêu cầu của người bệnh và hoạt động chuyên môn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của bệnh viện, nhưng cũng là việc gặp nhiều khó khăn nhất. Riêng với vấn đề taxi gây ùn tắc giao thông trước cổng bệnh viện, hiện nay đội bảo vệ của bệnh viện phối hợp với Công an phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), phường Phương Mai (quận Đống Đa), lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội… tổ chức gác hai cổng, đặc biệt là cổng chính ở đường Giải Phóng để hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân qua cầu vượt đường Giải Phóng để đón xe buýt, taxi, giúp giảm ùn tắc ở khu vực cổng bệnh viện.
Trả lại bộ mặt xanh - sạch - đẹp cho đô thị, sự thông thoáng tại khu vực cổng bệnh viện chắc chắn không phải quá khó. Thực tế đòi hỏi sự kiên trì, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ không chỉ của lãnh đạo bệnh viện, lực lượng cảnh sát giao thông mà còn của cả chính quyền sở tại và ngay chính mỗi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.