Giao thông

Lộn xộn xe xích lô chở khách

Bài và ảnh: TRIỆU DƯƠNG 19/07/2023 12:49

Người điều khiển xe xích lô không tuân thủ quy định về khoảng cách, dừng đón trả khách tùy tiện, thậm chí dàn hàng hai “hành tiến”, đó là hình ảnh dễ bắt gặp trên các tuyến phố. Người đạp xích lô cũng chẳng cần mặc đồng phục như khi mới ra mắt “tổ, đội” năm nào... Tất cả những điều đó đều đi ngược lại mong muốn xây dựng hình ảnh Hà Nội xanh - sạch - đẹp...

xichlo.jpg
Xích lô đi lại lộn xộn trên phố và bị lực lượng chức năng xử lý.

Mất đi hình ảnh đẹp

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận hiện chỉ có 80 xe xích lô của 4 công ty du lịch được phép hoạt động để phục vụ du khách tham quan khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm. Thế nhưng, trên thực tế đang có khoảng 200 - 300 xe xích lô không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động... Hằng ngày, dạo quanh các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm như Hàng Khay, Tràng Tiền, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục..., không khó bắt gặp những chiếc xích lô “dù” dừng đón trả khách một cách tùy tiện, thậm chí còn có cả dịch vụ cho thuê xích lô để chụp ảnh nếu du khách có nhu cầu.

Đặc biệt, tình trạng xích lô di chuyển chậm theo hàng dài, đi thành hàng 2, hàng 3 gây cản trở giao thông vẫn diễn ra. Trở lại ngôi nhà ông bà ngoại ở 155 Hàng Bạc sau hàng chục năm xa cách, chị Dương Thanh Hoa đến từ thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, xích lô đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh Hà Nội thanh lịch, yên bình khi cả đoàn hơn chục chiếc chầm chậm nối đuôi nhau gây ảnh hưởng tới giao thông, đặc biệt là ở khu phố cổ.

Không khó để kiểm chứng nhận định này khi quan sát thực tế có khá nhiều phương tiện xích lô như xe xích lô biển kiểm soát 29XL - 0196, 29XL - 0904, 29XL - 0220... hoạt động trên đường Lê Thái Tổ, đoạn từ nhà hàng Thủy Tạ đến khu vực tượng đài vua Lê, thường xuyên đỗ đón khách bên phải làn đường, vi phạm Luật Giao thông. Thậm chí khi vắng khách, chủ xe còn ghếch chân thảnh thơi nằm ngủ.

Là người đạp xích lô có thâm niên 15 năm, hằng ngày, anh Bùi Văn Q (ở Nam Định) vẫn cần mẫn đạp chiếc xích lô đi từ khu nhà trọ ở bên kia sông Hồng qua cầu Long Biên mưu sinh từ sáng sớm. Đến đêm khuya, khi khách đã vãn, anh lại ngược qua cầu trở về. Những ngày cuối tuần, khách du lịch đổ về đông như nêm, cũng như bao đồng nghiệp khác anh Q chọn cách tranh thủ chợp mắt trên chính chiếc xích lô của mình ở một góc phố vắng nào đó.

Mới tách ra khỏi “công ty” để làm ăn riêng nên về mặt nào đó anh Q vẫn thuộc diện “ma cũ” trong hơn 200 đồng nghiệp khác đang làm ăn trong khu vực phố cổ. Có “thâm niên công tác”, lại sở hữu xe xích lô có biển kiểm soát, giấy phép đăng ký đàng hoàng nên anh Q là một trong những người được “ưu tiên” ra vào “khu phố Hàng”, nơi có nhiều khách du lịch để không phải cạnh tranh chạy lòng vòng tại các tuyến phố bên ngoài như bao người khác.

Anh Q cho biết, nếu bám trụ ở công ty cũ thì bình quân mỗi ngày chỉ nhận được 1 - 2 “cuốc” với tiền công 60 - 90 nghìn đồng/tour 45 - 60 phút, không đủ tiền trang trải cuộc sống. “Với mức tiền công như thế thì làm sao đủ ăn, chưa kể phải mang tiền về quê cho gia đình nên tôi buộc phải ra ngoài hoạt động” - anh Q giãi bày.

Phải xử lý nghiêm

Trên các diễn đàn của những người yêu Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng vẫn nên duy trì loại hình dịch vụ vận tải bằng xích lô để phục vụ khách du lịch, nhưng cần tổ chức quản lý chặt chẽ hơn. Cần tạo điểm đón trả khách, trang bị đồng phục, công khai giá dịch vụ, phạm vi hoạt động... Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng khẳng định, hiện nhiều điểm đến du lịch Hà Nội đã được các đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm trải nghiệm khám phá bằng xe xích lô. Trong đó, phải kể đến tour du lịch “lang thang” phố cổ Hà Nội, tour khám phá 36 phố phường kết hợp xem múa rối nước... bằng xe xích lô.

Từ lâu, Hà Nội đã có quy định về quản lý hoạt động xe xích lô du lịch trên địa bàn thành phố, theo đó, xe xích lô phải có giấy chứng nhận đăng ký, được gắn biển kiểm soát do Công an thành phố Hà Nội cấp. Xe xích lô chỉ được chở khách du lịch và phục vụ nghi lễ cưới hỏi mang tính truyền thống. Thời gian hoạt động của xe xích lô du lịch là ngoài giờ cao điểm, trên các tuyến đường phố được cấp phép hoạt động và chỉ được dừng đỗ, đón trả khách tại các địa điểm quy định...

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều chủ xe xích lô không chấp hành những quy định này khiến hoạt động kinh doanh, dịch vụ xích lô bị du khách phàn nàn. Tình trạng vi phạm quy định về số người được phép chở trên xe xích lô, đi thành đoàn quá đông, dừng đỗ sai quy định, vi phạm giờ cấm, đường cấm cũng thường xuyên diễn ra...

Là địa bàn tập trung nhiều xe xích lô hoạt động, Thiếu tá Đỗ Xuân Giáp, Phó Trưởng Công an phường Hàng Đào cho biết, ngay từ đầu năm 2023 đơn vị đã tiến hành điều tra cơ bản, nắm các điểm/ tuyến xe xích lô thường hoạt động, bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý. Qua hơn 4 tháng triển khai, cơ quan công an đã phát hiện 18 trường hợp vi phạm, tạm giữ 4 phương tiện.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng/ đỗ không đúng nơi quy định, đi vào khu vực cấm mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn. Còn trên địa bàn phường Tràng Tiền, Trung tá Nguyễn Tuấn Khiên, Phó Trưởng Công an phường cho biết thêm, riêng trong dịp nghỉ lễ vừa qua, lực lượng chức năng đã xử lý 8 trường hợp xe xích lô dừng đỗ đón trả khách trái quy định, phạt các chủ xe với tổng số tiền 720.000 đồng.

Tuy vậy, trong thực tế, việc xử lý tình trạng xích lô “dù” vẫn gặp nhiều khó khăn. Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm, thông tin, kể từ đầu năm 2023 khi thực hiện Phương án 01 của Ban Chỉ đạo 197 quận Hoàn Kiếm, tình trạng xích lô dù có giảm nhưng vẫn còn, hình thức vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận. Tức là trước đây chủ xe làm trong các công ty du lịch, nay không còn đủ điều kiện hoạt động nhưng không chuyển đổi ngành nghề. Nhiều trường hợp trình bày rằng hoàn cảnh của họ rất khó khăn, không biết làm gì khác...

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 197, Công an quận Hoàn Kiếm, Đội Cảnh sát Giao thông và Trật tự đã phối hợp với công an các phường thường xuyên tuần tra, hễ phát hiện xe xích lô dừng, đỗ không đúng tuyến quy định là xử lý nghiêm; với những xe xích lô không được cấp phép hoạt động mà vẫn cố tình vi phạm thì sẽ tạm giữ phương tiện để xác minh, xử lý. Đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 218 trường hợp vi phạm, tạm giữ 20 xích lô không phép. Cách xử lý vi phạm một cách kiên quyết đó góp phần chấn chỉnh tình trạng xích lô “dù”, giữ gìn hình ảnh một Hà Nội đẹp, thân thiện dưới mắt mọi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lộn xộn xe xích lô chở khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.