(HNM) - Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2015 với chủ đề
Liệu chương trình này có mang lại hiệu quả như mong muốn, thể hiện vai trò quản lý của cơ quan chức năng cũng như giúp nâng cao ý thức của nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc bảo đảm VSATTP hay không? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, thành viên Ban Chỉ đạo VSATTP TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Lực lượng kiểm tra liên ngành đo độ pH trong thực phẩm. Ảnh: Bảo Lâm |
- Ông có thể cho biết, kết thúc Tháng hành động VSATTP, "bức tranh" chất lượng VSATTP đã sáng sủa hơn? Người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng các thực phẩm trong bữa cơm hằng ngày?
- Qua việc kiểm tra công tác sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong tháng hành động VSATTP năm 2015, có thể nói, về cơ bản là nhận thức của những người tham gia công tác VSATTP đã thay đổi rõ rệt, họ chủ động hoàn thành các thủ tục pháp lý như: Hồ sơ, các loại giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP, hợp đồng nguyên liệu đầu vào, tổ chức tập huấn, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, bảo đảm vệ sinh nhà xưởng chế biến, bếp ăn một chiều... Đây là những điểm nổi bật cho thấy sự chuyển biến trong việc chấp hành những quy định của luật pháp đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Cách đây không lâu, một công ty rau sạch được cho là đáp ứng đầy đủ yêu cầu về giấy tờ pháp lý, cam kết cung cấp rau sạch nhưng trên thực tế công ty này cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các siêu thị. Vậy, khi đi kiểm tra, liệu cơ quan chức năng có thể để "lọt lưới" sai phạm nếu chỉ căn cứ vào giấy tờ pháp lý?
- Qua việc kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm, khi xem xét hồ sơ, cơ quan chức năng có thể phát hiện rõ ngay gian lận, những hợp đồng không chính xác... Chẳng hạn như với hợp đồng rau, chúng tôi sẽ hỏi chủ cơ sở xem có kinh doanh những loại rau đã ghi trong hợp đồng hay không. Ngoài ra, chúng tôi kiểm tra xem đơn vị này đã cấp rau cho các cơ sở nào. Sau đó, chúng tôi sẽ tìm đến những địa chỉ được đơn vị này cung cấp rau. Cũng có cơ sở có hợp đồng với đơn vị kinh doanh rau nhưng trên thực tế lại bày bán những loại rau không phải của đơn vị đã ký hợp đồng. Điều đó chứng tỏ, họ không lấy ở đó mà thu gom ở nơi khác, có thể lấy ở chợ đầu mối. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng tiến hành xử lý vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, vi phạm xảy ra nhiều nhất ở khu vực bếp ăn tập thể, vệ sinh các bếp ăn nhiều khi chưa được chú ý, nguyên liệu đầu vào, hợp đồng chưa rõ ràng...
- Trước và trong Tháng hành động VSATTP, ở Hà Nội đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Star Fashion đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ và Công ty TNHH Synopex Việt Nam đóng trên địa bàn huyện Mê Linh. Sau sự việc này, ngành y tế Hà Nội có giải pháp gì, thưa ông?
- Hiện trên địa bàn thành phố có 3.214 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường tiểu học, trường mầm non…, trong đó có những bếp ăn phục vụ hơn 1.000 người. Bảo đảm VSATTP tại các bếp ăn tập thể là vấn đề quan trọng nhằm ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Ngay sau sự việc nói trên, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh rà soát, kiểm tra công tác VSATTP trong các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp và chế xuất, trường học nhằm ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Cụ thể, ngành y tế đã lên kế hoạch làm việc với Ban Quản lý khu công nghiệp thành phố để chỉ đạo các bếp ăn tập thể nghiêm túc thực hiện các quy định về VSATTP; đồng thời phối hợp rà soát, kiểm tra, tập huấn về an toàn thực phẩm cho nhân viên các bếp ăn.
- Công tác quản lý nhà nước về VSATTP hằng năm thường xuyên được tăng cường, nhiều đợt thanh, kiểm tra được tổ chức nhưng vi phạm vẫn tái diễn, một phần cũng do việc xử phạt chưa nghiêm. Vậy trong Tháng hành động VSATTP, hình thức xử phạt có được cải thiện?
- Thực ra, việc xử lý ở một số địa phương chưa cương quyết, nhất là ở cấp huyện, xã. Hình thức xử lý chủ yếu vẫn là nhắc nhở, việc xử lý hành chính, phạt tiền vẫn còn ít. Do công tác quản lý VSATTP ở một số nơi mới chỉ dừng ở mức độ kiểm tra, nhắc nhở nên không mang lại hiệu quả. Thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp cùng với các quận, huyện xây dựng đề án tăng cường biện pháp kiểm soát thức ăn đường phố, cố gắng tổ chức các khu vực, tuyến điểm thức ăn đường phố... Tuy nhiên, vấn đề thức ăn đường phố còn nhiều nan giải. Việc cải thiện chất lượng thức ăn đường phố chưa được nhiều. Để thực hiện được việc này, điều quan trọng là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, phường, tổ dân phố, nhất là ý thức tự bảo vệ của người dân.
- Vậy theo ông, trước mắt cần có những giải pháp như thế nào để hạn chế thực phẩm "bẩn" gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?
- Theo tôi, công tác quản lý bảo đảm VSATTP cần phải được làm thường xuyên, liên tục, đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp thật tích cực hơn nữa. Mặt khác, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý VSATTP cần phân rõ và cụ thể hơn. Đối với các doanh nghiệp, bản thân chủ doanh nghiệp phải chú ý và đề cao vấn đề bảo đảm VSATTP tại các bếp ăn, những người được giao phụ trách bếp ăn các KCN phải hết sức lưu ý quy trình trong nấu nướng, bảo đảm vệ sinh..., đặc biệt là nguyên liệu đầu vào phải có hợp đồng, có địa chỉ rõ ràng... Bảo đảm VSATTP không chỉ là trách nhiệm của những nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm của tất cả người dân. Để nhận biết được sản phẩm an toàn thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với người bán, cần nhập sản phẩm có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất rõ ràng; đối với người tiêu dùng thì cần biết rõ sản phẩm là của cơ sở nào, hãng nào sản xuất và chất lượng các sản phẩm này như thế nào... Tuy nhiên, không thể trong ngày một ngày hai là có thể làm tốt công tác này. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.