(HNMCT) - Xu hướng kinh doanh trực tuyến tác động ngày một lớn đến đời sống xã hội. Cuối tuần trước, xuất hiện một bài viết đăng trên group Facebook dành cho cư dân tại một tòa chung cư ở quận Thanh Xuân, đại ý phàn nàn rằng vì sao một tòa nhà chỉ có hơn trăm căn hộ mà số thành viên group Facebook lại lên tới hàng nghìn? Vì sao một diễn đàn nội bộ của cư dân trong tòa chung cư với mục đích ban đầu là bàn về các vấn đề liên quan đến cuộc sống, cách ứng xử, chất lượng dịch vụ của khu chung cư, lại trở thành địa chỉ rao bán đủ các loại hàng hóa, mà trong số rao hàng có người ở tận Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn…?
Mua bán trực tuyến - một phần của thương mại điện tử, là điều không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Thành phần cung cấp dịch vụ, hàng hóa khá đa dạng, gồm các cá nhân, doanh nghiệp, nhà sản xuất, sàn giao dịch điện tử… Sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đa dạng hóa khả năng lựa chọn hàng hóa, giá cả cạnh tranh, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, giảm chi phí trung gian… là điều có thể ghi nhận. Nhưng kèm theo đó là sự phiền hà, khả năng gặp rủi ro khi người mua không thể trực tiếp lựa chọn hàng hóa, khó khiếu kiện để đòi quyền lợi hợp pháp... Hàng giả, hàng kém chất lượng, cách bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó”, thậm chí lừa đảo trắng trợn đã xảy ra không chỉ một lần. Rất nhiều người bán hàng trực tuyến không công bố địa chỉ liên lạc chính xác và bằng cách đó, họ chối bỏ ý kiến khiếu nại về chất lượng hàng hóa cũng như lẩn tránh sự truy cứu của cơ quan chức năng.
Đó là điều đáng lo ngại, nhất là khi cách thức “đi chợ” của người Việt đang có sự thay đổi. Mới đây, khi dịch Covid-19 khiến người dân phải sống trong cảnh giãn cách xã hội, mua bán trực tuyến là phương thức được rất nhiều người áp dụng. Thói quen mua sắm đó ở lại với nhiều người ngay cả khi dịch được khống chế. Đến nay, khi nhịp sống đã gần trở lại như trước khi có dịch, việc mua sắm qua mạng vẫn được nhiều người lựa chọn, bao gồm cả những người trước đây “dị ứng” với việc này. Trong bối cảnh đó, nếu như không tìm ra cách ngăn chặn những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kinh doanh trực tuyến để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế, lừa đảo… thì hình thức mua sắm trực tuyến nói riêng và thương mại điện tử nói chung không đem lại lợi ích như kỳ vọng.
Phân tích khiếm khuyết của hình thức kinh doanh trực tuyến là để tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục. Thực tế cho thấy nguyên nhân nằm ở nhận thức hạn chế về quy định pháp luật và đạo đức kinh doanh của phía bán hàng, đặc biệt là các cá nhân; cơ chế, biện pháp bảo vệ người tiêu dùng chưa đủ mạnh, chưa bao quát những vấn đề mới phát sinh. Bởi vậy, cần tăng cường tuyên truyền về các luật liên quan, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức, điều chỉnh cách ứng xử và đạo đức kinh doanh cũng như giúp người tiêu dùng ý thức rõ hơn về quyền của mình, trở thành khách hàng thông minh.
Khi số lượng cá nhân, doanh nghiệp, nhà sản xuất… kinh doanh trực tuyến ngày càng tăng, tính cạnh tranh ngày càng lớn thì giải pháp tuyên truyền cần đi đôi với xử lý vi phạm. Cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các đơn vị quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường thuộc ngành Công Thương ở trung ương và địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, xử lý thích đáng hành vi gây hại cho người tiêu dùng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần tham gia nhiều hơn vào việc này, không chỉ lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng mà còn tạo ra sức ép đủ mạnh để phía kinh doanh qua mạng phải cân nhắc hành vi, cách ứng xử.
Nói một cách khác thì trước mắt, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến là giải pháp then chốt. Bởi chỉ khi phía vi phạm biết sợ thì ý thức tuân thủ pháp luật mới được nâng lên; đạo đức kinh doanh, thái độ ứng xử với khách hàng sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.