(HNM) - Theo kết quả kiểm tra năm 2015 và tái kiểm tra năm 2016, tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn 11 quận, huyện, vẫn còn tồn đọng 214 thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, mặc dù đã có phương án, giải pháp xử lý.
Nhà siêu mỏng (x) trên tuyến đường Vành đai 2 Cầu Giấy - Nhật Tân.Ảnh: Anh Tuấn |
Để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo làm mất mỹ quan đô thị, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng, giải quyết dứt điểm các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng còn tồn đọng, không để phát sinh mới nhà siêu mỏng, siêu méo.
Về cơ bản, các quy định, văn bản hướng dẫn xử lý trường hợp thửa đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo làm mất mỹ quan đô thị đã được UBND thành phố và các sở, ngành ban hành đầy đủ, làm cơ sở cho chính quyền các cấp thực hiện. Theo đó, đối với tuyến đường mới mở đang thực hiện quy hoạch, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo được giải quyết đồng bộ trong dự án mở đường.
Đối với các tuyến đường hiện hữu, khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ đất hợp thửa, hợp khối; trường hợp không thể hợp thửa, hợp khối, chính quyền thu hồi diện tích đất sử dụng cho mục đích công cộng. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra năm 2015 và tái kiểm tra năm 2016 tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn 11 quận, huyện, vẫn còn tồn đọng 214 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng mặc dù đã có phương án, giải pháp xử lý; chủ yếu tập trung tại địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân. Nguyên nhân là chính quyền các cấp thiếu cương quyết trong việc thu hồi đất; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa nghiêm.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, vướng mắc chính là thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đồ án thiết kế đô thị thường kéo dài do phải lấy ý kiến cộng đồng, hội đồng thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ nên khi thực hiện xong đồ án thiết kế đô thị cho tuyến đường mới mở thì công trình hai bên đã cơ bản xây dựng xong. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, có trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Thanh tra xây dựng lập biên bản nhưng chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong việc xử lý; ngược lại, có trường hợp cán bộ thanh tra hạn chế về kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm dẫn đến bỏ sót hành vi vi phạm, tham mưu đề xuất chưa kịp thời.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, việc để các hộ dân thỏa thuận hợp thửa, hợp khối rất phức tạp do đất sau khi ra mặt đường có giá trị cao hơn rất nhiều. Người sở hữu muốn đẩy giá cao, trong khi người bên trong cho rằng đất đó chẳng bán được cho ai khác nên khó thương lượng, thống nhất. Chưa kể, không phải thửa đất nào thu hồi xong cũng có thể làm công trình công cộng được.
Để khắc phục bất cập trong xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã kiến nghị thành phố, xem xét áp dụng mô hình thiết kế cải tạo chỉnh trang đô thị như đã làm với tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), vừa đáp ứng yêu cầu thời gian, vừa tiết kiệm chi phí. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đào Ngọc Nghiêm, thành phố cần tính đến các vấn đề có thể phát sinh ngay từ khâu quy hoạch thay vì “chạy” theo giải quyết từng trường hợp khi dự án đã hoàn thành.
Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển, cũng được lãnh đạo UBND các phường đang phải xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đồng tình, là mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi đất hai bên đường, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất tái định cư tại chỗ, phát triển dự án bất động sản hai bên đường mới mở, tổ chức đồng bộ từ quy hoạch đến quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng…
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Theo đó, thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện giải quyết dứt điểm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại và không để phát sinh mới; thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối; kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng, hoàn thành trước tháng 12-2016. Đặc biệt, chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn.
Cũng theo Chỉ thị 20/CT - UBND, thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra xây dựng, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh vi phạm, đặc biệt quan tâm, có phương án xử lý thửa đất, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng (diện tích dưới 15m2). Chủ đầu tư các dự án mở đường phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm việc mở đường và cảnh quan đô thị hai bên đường đồng bộ khi hoàn thành, đưa vào khai thác. Đối với dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư và chính quyền địa phương khảo sát các thửa đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, đề xuất đủ kinh phí trong tổng mức đầu tư dự án để thu hồi đất. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.