Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi: Ngăn chặn vi phạm ngay từ gốc

Hoàng Minh| 15/05/2020 06:01

(HNM) - Hiện tượng học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép điều khiển xe mô tô, xe máy đến trường đã được đề cập nhiều lần, trong đó Báo Hànộimới cũng đã phản ánh. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trên. Song, việc kiểm tra, xử lý cũng có hạn chế nhất định nên vi phạm tái diễn ở nhiều nơi. Thực tế này đòi hỏi sự tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để từ lực lượng chức năng và sự quan tâm của gia đình, nhà trường.

Học sinh Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đi xe máy trên 50cm3 đến trường, không đội mũ bảo hiểm.

Vi phạm phổ biến

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới sáng 12-5, tại cổng Trường Trung học phổ thông Quang Trung (quận Hà Đông) có nhiều học sinh điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh trên 50cm3 (phân khối) - vốn vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, đến trường. Để đối phó với lệnh "cấm" đi xe máy, các em tìm chỗ gửi ở các ngõ ngách, hộ gia đình ở gần khu vực cổng trường.

Trao đổi về vấn đề nêu trên, bà Phạm Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quang Trung khẳng định: "Chúng tôi đang giao cho cán bộ thống kê tất cả các học sinh gửi xe máy ngoài cổng trường. Trên cơ sở xác minh chính xác học sinh vi phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm".

Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ B, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), vẫn còn nhiều học sinh đi học bằng xe máy trên 50cm3. Trung tá Bùi Huy Đạt, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Chương Mỹ cho biết: Mặc dù Công an huyện thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng chưa thể triệt để vì nhiều học sinh khi thấy lực lượng chức năng "cắm chốt" tại khu vực cổng trường đã quay xe bỏ đi. Ngoài ra, do lực lượng Cảnh sát giao thông mỏng, địa bàn huyện lại rộng, nhiều trường học nên việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn.

Tình trạng học sinh đi xe máy trên 50cm3 đến trường diễn ra khá phổ biến tại một số quận, huyện như: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thạch Thất... nhất là tại các trường ngoài công lập. Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính là do ý thức của học sinh hạn chế, phụ huynh chưa quản lý chặt chẽ, hoặc dung túng cho con cái. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương không thực hiện thường xuyên, chủ yếu dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở...

Ngăn chặn vi phạm từ gia đình và nhà trường

Ngày 27-2-2017, liên ngành Công an thành phố - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp số 505/QCPH-CATP-SGDĐT về công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông khu vực trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trên cơ sở đó, hằng năm liên ngành đều xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các trường học, đồng thời tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh vi phạm, điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.

Nói về giải pháp, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Hằng năm, đơn vị đều chủ động phối hợp với ban giám hiệu các nhà trường tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trên địa bàn bằng nhiều hình thức; đặc biệt thông tin rõ là học sinh từ 16 tuổi đến 18 tuổi không điều khiển xe máy trên 50cm3 đến trường. Việc này cần duy trì liên tục.

Cùng quan điểm, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7, cho biết: Giải pháp lâu dài và bền vững nhất là thực hiện tốt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe có phép, tự phát gần các trường học. Khi không còn chỗ gửi xe, số học sinh đi xe máy đến trường sẽ giảm.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng cho biết: Nhằm hạn chế vi phạm, Sở tiếp tục chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về trật tự an toàn giao thông, nghiêm cấm học sinh từ 16 đến 18 tuổi điều khiển xe trên 50cm3 đến trường. Trong khi đó, đương nhiên học sinh dưới 16 tuổi sẽ không được điều khiển xe máy.

Ngày 6-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường. Theo đó, học sinh được nhắc nhở không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi.

Giải pháp đã có song cuối cùng vẫn phải là cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc và triệt để, bên cạnh sự phối hợp của gia đình, nhà trường. Như thế mới mong hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi.

Từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã tuần tra, kiểm soát, xử lý được 3.548 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó nhiều trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe máy trên 50cm3, không có giấy phép lái xe.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi: Ngăn chặn vi phạm ngay từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.