(HNM) - Ngay giữa khu vực buôn bán tấp nập nhất chợ Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) là một dãy nhà kiên cố đang hoàn thiện trên dòng kênh thủy lợi...
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi về chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm). Một dãy phố hai tầng kiên cố nằm ngay trên dòng kênh thủy lợi tại khu vực này đang được hoàn thiện. Lòng kênh không được khai thông, rác thải và nước đọng lâu ngày bốc lên mùi hôi nồng, khó chịu. Theo nhiều người dân, ngay khi công trình bắt đầu khởi công đã có ý kiến về sự bất thường của những công trình sai phạm núp bóng dự án "kiên cố hóa kênh mương". Và đến nay, khi công trình đang gấp rút hoàn thiện, toàn bộ con kênh đã bị dãy nhà đè lên, vật liệu xây dựng và phế thải tập kết ngổn ngang.
Sai phạm rõ như ban ngày trên kênh thủy lợi. |
Trước đó, để dọn đường cho công trình sai phạm trên, ngày 29-4-2014 Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Từ Sơn thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống đã có văn bản số 21/TS-QLCT thông báo cho UBND xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và UBND phường Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) yêu cầu các hộ dân hai bên kênh từ cống Baza đến cống Thiềm Long giải tỏa ghế đá, chậu cảnh, đường điện, hàng cây làm cản trở việc cứng hóa kênh… Khi tiếp nhận công văn này, UBND xã Ninh Hiệp đã rất sốt sắng tổ chức họp dân. Và chỉ trong một thời gian ngắn, các hộ dân đã tự giải tỏa toàn bộ vật cản bên bờ kênh.
Tuy nhiên, chuyện đáng nói là ngay sau khi các hộ dân giải tỏa những vật cản, thay vì bê tông hóa kênh mương, đơn vị thi công đã đổ cọc bê tông và bịt kín đoạn kênh, xây nhà kiên cố ngay trên lòng kênh, biến đoạn kênh thành một dãy phố… Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho rằng, chính quyền đã làm tròn trách nhiệm quản lý bờ tả con kênh từ cống Baza đến cống Thiềm Long, đã phối hợp giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án kiên cố hóa kênh mương. Việc xây nhà kiên cố trên kênh thủy lợi phục vụ tưới tiêu là trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại văn bản số 410/UBND-VP ngày 1-8-2014, UBND xã Ninh Hiệp cũng đã chủ động đề nghị UBND phường Đình Bảng (Bắc Ninh) kiến nghị chủ đầu tư không xây dựng ki ốt trên mặt kênh Baza. Trước đó, khi có nhiều ý kiến của bà con về những khuất tất của dự án kiên cố hóa kênh mương, tại buổi họp có sự tham gia của đại diện ngành thủy lợi, hai địa phương và đông đảo người dân, các bên đều cho rằng: Việc xây dựng nhà trên bề mặt kênh được bê tông hóa sẽ khó khăn cho việc dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời cũng gây khó khăn cho việc nạo vét. Điển hình là trước kia, khu vực xã Ninh Hiệp không bao giờ có hiện tượng ngập úng, nhưng từ khi dãy phố mới núp bóng dự án kiên cố hóa kênh mương "đè" lên lòng kênh, nơi này thường xuyên xảy ra ngập úng vì dòng chảy đã bị thu hẹp.
Về vấn đề này, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, để giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã kiến nghị UBND TP Hà Nội làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh để giải quyết triệt để. Trong văn bản số 999/UBND-VP ngày 30-9-2014, UBND huyện Gia Lâm khẳng định, do địa điểm thực hiện dự án trong địa bàn giáp ranh giữa xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) và phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) nên sau khi dự án triển khai đã nhận được rất nhiều phản ánh, đề nghị khẩn trương xác định địa giới hành chính, làm rõ phần đất trên thuộc Hà Nội hay Bắc Ninh. Đồng thời, huyện Gia Lâm cũng có kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư không xây dựng ki ốt trên mặt kênh. Chủ tịch xã Ninh Hiệp Nguyễn Bá Khánh bổ sung thêm thông tin: "Chúng tôi cũng đã có công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn điều chỉnh dự án trên cơ sở bảo đảm thông thoáng lòng kênh, vệ sinh môi trường lòng kênh, không ảnh hưởng đến việc dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, không mở cửa nhà trên mặt kênh đi ra đường giao thông do UBND xã Ninh Hiệp quản lý".
Theo các tài liệu cũ, để phục vụ cho việc tưới tiêu tại xã Ninh Hiệp và các địa bàn lân cận thuộc tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1965, hệ thống kênh mương thủy lợi đi qua hai địa phương Hà Nội và Bắc Ninh đã được xây dựng, trong đó có đoạn kênh trên. Ông Nghiêm Xuân Khôi, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm cho biết, hiện tại trạm bơm Cống Thôn bao gồm cả đoạn kênh từ cống Baza đến cống Thiềm Long vẫn phải bảo đảm tưới tiêu cho lúa và hoa màu khu vực Bắc Đuống gồm xã Dương Hà, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, một phần Yên Viên, Phù Đổng của huyện Gia Lâm (Hà Nội) và một phần tỉnh Bắc Ninh theo quy chuẩn thiết kế từ năm 1971. Hiện tại hệ thống thủy lợi này vẫn làm nhiệm vụ tưới tiêu cho 50ha ruộng lúa và hoa màu của phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông Khôi cũng cho biết, vào tháng 4-2014, khi nhận được tin công trình thủy lợi trên bị xâm phạm, xí nghiệp đã tiến hành lập biên bản vi phạm. Nhưng khi yêu cầu chính quyền địa phương là xã Ninh Hiệp phối hợp cùng giải quyết mới vỡ lẽ khu vực lòng kênh là do phường Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh quản lý. Oái oăm hơn, địa phương này còn trình hẳn dự án cải tạo, kiên cố hóa kênh mương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo các quy định của pháp luật, bất kỳ công trình thủy lợi liên quan đời sống của nhân dân đều phải được bảo vệ theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Điều này cũng đã được khẳng định đầy đủ trong các biên bản làm việc giữa UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội), UBND phường Đình Bảng (Bắc Ninh) với người dân trong khu vực. Tuy nhiên, với lý do địa bàn giáp ranh, "quả bóng" trách nhiệm vẫn đang được đẩy qua, đẩy lại trong khi đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không lẽ, việc xử lý những vi phạm đã rõ như ban ngày lại khó đến thế?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.