(HNM) - Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, đến hết năm 2017, Hà Nội đã không còn nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nông thôn mới.
Lại phát sinh nợ
Theo kết quả rà soát của Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Ba Vì, trên địa bàn huyện đang nợ xây dựng cơ bản khoảng 50-60 tỷ đồng. Khoản nợ này thuộc phần người dân đóng góp khi huyện thực hiện hàng trăm dự án xây dựng hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới.
Cần có giải pháp căn cơ nhằm tránh nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình nông thôn mới. Ảnh: Lê Tiên |
Phó Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Ba Vì Hoàng Văn Hùng lý giải: Thực hiện Quyết định 16/2012/QĐ-UBND, ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội về "Ban hành quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016", huyện Ba Vì triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn sử dụng ngân sách thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp. Trong đó, phần vốn do nhân dân đóng góp chiếm 20% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình, dự án. Theo đó, chính quyền xã có dự án đầu tư phải đứng ra huy động nhân dân đóng góp, nhưng nhiều địa phương chưa huy động được nguồn lực này.
Trong khi đó, theo báo cáo đến hết tháng 8-2018, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn nợ vốn xây dựng cơ bản của 186 dự án với hơn 121,6 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu thuộc phần trách nhiệm ngân sách cấp xã. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Từ năm 2010 trở lại đây, các xã trên địa bàn huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, song do nguồn thu của các xã hạn chế, chủ yếu trông chờ vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất nhưng việc này gặp khó khăn nên nhiều địa phương thiếu nguồn vốn đối ứng để thực hiện công trình xây dựng cơ bản...
Tương tự, tính đến 30-9-2018, thị xã Sơn Tây còn nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thị xã nợ 421 triệu đồng, ngân sách xã nợ hơn 2 tỷ đồng...
Vừa khắc phục, vừa không để phát sinhTheo Phó Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Ba Vì Hoàng Văn Hùng, nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện chủ yếu là nguồn huy động đóng góp của người dân, do vậy không thể dùng tiền ngân sách để trả. Do đó, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, huy động doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ đóng góp để trả nợ.
Trong báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, huyện Chương Mỹ đề xuất hướng xử lý nợ bằng cách: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời, huyện sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đầu tư công, không để phát sinh nợ mới.
Còn thị xã Sơn Tây đề xuất xử lý nợ xây dựng cơ bản theo hướng, đối với phần nợ thuộc trách nhiệm của ngân sách thị xã thì chờ phê duyệt quyết toán dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, sau khi được phê duyệt, sẽ bố trí trả nốt phần còn thiếu. Đối với phần nợ thuộc trách nhiệm của ngân sách xã, sẽ chỉ đạo các địa phương cân đối, bố trí nguồn vốn trả nợ cho các dự án từ nguồn kết dư, nguồn tăng thu ngân sách xã và từ nguồn xã hội hóa...
Để giải quyết dứt điểm việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản trong năm 2018, mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo UBND thành phố. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các huyện, thị xã cần kiểm tra, rà soát hồ sơ nghiệm thu công trình các dự án còn nợ xây dựng cơ bản đến ngày 30-9-2018; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt quyết toán để xác định chính xác số nợ thuộc trách nhiệm các cấp ngân sách. Bên cạnh đó, các địa phương điều chỉnh vốn năm 2018 đã giao theo hướng tập trung sử dụng toàn bộ các nguồn ngân sách (phân cấp cho đầu tư phát triển, nguồn vốn tăng thu, thưởng vượt thu, kết dư, vốn đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn hỗ trợ giao thông, thủy lợi sau dồn điền đổi thửa trong chương trình xây dựng nông thôn mới…) để ứng, thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản thuộc nhiệm vụ chi theo trách nhiệm của từng cấp ngân sách...
Có thể thấy, thành phố đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc các địa phương không để nợ xây dựng cơ bản. Trong tiêu chí đánh giá, chấm điểm, thành phố cũng đưa thêm chỉ tiêu không có nợ xây dựng cơ bản mới được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tế cho thấy, để không nợ xây dựng cơ bản, rõ ràng các địa phương cần tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước...; cắt giảm các dự án mới chưa khởi công để dành vốn bổ sung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp, đồng thời giảm sức ép bố trí vốn cho những năm sau. Ngoài ra, không yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công; chỉ khi xử lý xong nợ xây dựng cơ bản, nếu còn vốn mới bố trí cho các dự án để tiếp tục thực hiện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.