Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý bảng quảng cáo vi phạm: Còn tâm lý... nhìn nhau!

Minh Ngọc| 30/08/2016 06:52

(HNM) - Ngày 3-9 là thời hạn cuối cùng để các địa phương hoàn thành việc tháo dỡ 339 bảng quảng cáo vi phạm (QCVP) theo chỉ đạo ngày 3-8-2016 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Thế nhưng, đến ngày 29-8, Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội xác nhận

Địa phương kêu "khó"

Cùng Đoàn thanh tra liên ngành làm việc với một số địa phương có bảng QCVP, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, công tác kiểm tra, xử lý, tổ chức tháo dỡ của đa số các địa phương chưa thực sự quyết liệt. Nơi có ít bảng QCVP thì nhìn vào nơi tồn tại nhiều xem xử lý thế nào, đến hạn chót xử lý vẫn chưa muộn. Địa phương có nhiều bảng QCVP như quận Tây Hồ, huyện Sóc Sơn… thì trông chờ phương án xử lý “nhẹ tay” từ phía các cơ quan chức năng. Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định về hoạt động quảng cáo có thái độ, hành vi không hợp tác, thậm chí kiện cáo, đe dọa, chống đối các cơ quan thực thi nhiệm vụ.


Tuyến đường từ trung tâm thành phố ra Sân bay Nội Bài còn nhiều bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm chưa được tháo dỡ.


Đến ngày 29-8, nhiều bảng QCVP vẫn sừng sững trên đường Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Đại lộ Thăng Long... thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Tại ngã tư Nghi Tàm - Yên Phụ, chợ hoa Quảng An, bên trái đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân,… của quận Tây Hồ, các bảng QCVP vẫn nguyên khung, cột. Trên các tuyến đường gần Sân bay quốc tế Nội Bài thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, hàng chục bảng QCVP đan xen nhau tồn tại. Hộp đèn quảng cáo trên dải phân cách vi phạm các quy định về hoạt động quảng cáo tuy đã được xử lý, tháo dỡ nhiều, song vẫn còn ở một số tuyến đường, phố chính, đông người qua lại.

Lý giải cho sự thiếu quyết liệt này, các địa phương đều “kêu khó” thực hiện. Đa số bảng quảng cáo vi phạm tồn tại nhiều năm, đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, nhưng các doanh nghiệp quảng cáo vẫn cố tình vi phạm, nay cùng lúc phải xử lý nhiều bảng QCVP trong khoảng thời gian một tháng là quá ngắn, không thể giải quyết triệt để. Một số doanh nghiệp có tâm lý “bỏ của chạy lấy người”, các địa phương không thể liên lạc được với chủ sở hữu bảng QCVP bàn phương án giải quyết, tháo dỡ.

“Không thể phối hợp với chủ sở hữu, đương nhiên các cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành tháo dỡ những bảng quảng cáo “vô chủ”. Chi phí tháo dỡ đối với bảng quảng cáo tấm lớn lên đến hàng chục triệu đồng, thì kinh phí này lấy ở đâu...?” - ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn băn khoăn.

Chạy nước rút!

Ông Lê Hữu Mạnh kiến nghị thành phố nên giữ lại khung, cột một số bảng quảng cáo độc lập, được lắp dựng ở những vị trí phù hợp. Sau khi thành phố công bố quy hoạch quảng cáo và tổ chức đấu thầu, doanh nghiệp nào trúng thầu ở vị trí còn khung, cột cũ thì trả một phần chi phí lắp dựng bảng cho doanh nghiệp vi phạm hiện nay, nhằm hạn chế sự lãng phí.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, kiêm Trưởng đoàn thanh tra, 100% bảng QCVP trong danh sách thống kê đều lắp dựng ở những vị trí không có quy hoạch, không có sự đồng ý chính thức của các sở, ngành chức năng hoặc do lắp dựng vượt quá số bảng được cấp phép. Đáng nói hơn, hệ thống bảng quảng cáo vi phạm tồn tại đã và đang làm ảnh hưởng tới cảnh quan, không gian đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Bảng QCVP có thể tồn tại trong một thời gian khá dài đã là sai. Nếu các cơ quan chức năng, các địa phương giữ lại một số bảng QCVP lại thêm một lần sai nữa. Hơn nữa, từ trước đến nay, TP Hà Nội luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh đúng pháp luật, có trách nhiệm với Thủ đô và xã hội, chứ không ủng hộ các doanh nghiệp không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật. Do đó, quan điểm nhất quán của TP Hà Nội là xử lý dứt điểm, triệt để bảng QCVP; không chấp nhận hợp thức hóa bất kỳ bảng QCVP nào. Đây cũng là cách thành phố tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời” - ông Tô Văn Động khẳng định.

Có thể nói, hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ giảm “sức hút”. Cuối tháng 5, lực lượng thanh tra liên ngành chốt số lượng 156 bảng quảng cáo đứng độc lập vi phạm, đến nay, con số đưa vào danh sách thống kê, xử lý đã lên đến 190 bảng. Trong quá trình ra quân xử lý, đâu đó vẫn “mọc” thêm bảng quảng cáo mới, cho nên không thể không kiên quyết xử lý. Công tác vận động tháo dỡ bảng QCVP cũng có thể thực hiện được, nếu các địa phương quyết tâm. Bằng chứng là, đa số doanh nghiệp có bảng QCVP tham gia buổi làm việc với Đoàn thanh tra vào đầu tháng 8 không có ý kiến, đề xuất gì và chỉ sau 2 ngày ra quân xử lý, quận Thanh Xuân đã “nhổ tận gốc” 4/4 bảng QCVP trên địa bàn.

Theo tinh thần Chỉ thị số 16, sau ngày 3-9, địa phương nào không hoàn thành việc tháo dỡ bảng QCVP, Đoàn thanh tra sẽ đề xuất với thành phố phương án cưỡng chế và lãnh đạo các quận, huyện phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố về vấn đề này. Với thời gian 4 ngày, các địa phương “chạy nước rút” cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý bảng quảng cáo vi phạm: Còn tâm lý... nhìn nhau!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.