Đô thị

Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động Bài 2: Phớt lờ quy định - Lỗi tại ai?

Hoàng Lân 11/06/2024 - 07:05

Luật Quảng cáo đã có những quy định rõ ràng về tiếng nói, chữ viết trong hoạt động quảng cáo. Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã đi vào đời sống.

Thế nhưng, hiện tượng vi phạm quy định về quảng cáo do tâm lý sính ngoại vẫn đang tồn tại, gây phản cảm, ảnh hưởng tới vẻ đẹp đô thị. Lỗi này do đâu?

qc.jpg
Những biển hiệu quảng cáo sử dụng chữ nước ngoài trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hoàng Quyên

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Từ 12 năm nay, Việt Nam đã có quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động quảng cáo, trong đó nêu rõ nội dung trên các biển quảng cáo phải được thể hiện rõ ràng bằng tiếng Việt. Cụ thể, Điều 18, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: "Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt”.

Tại thành phố Hà Nội, trước thực trạng hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập, ngày 12-3-2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy chế gồm 3 chương, 36 điều, quy định về hoạt động quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời. UBND thành phố yêu cầu hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, không gian, kiến trúc, cảnh quan của thành phố Hà Nội.

Mặc dù Luật Quảng cáo đã có, các địa phương đã ban hành các quy chế riêng về quản lý hoạt động quảng cáo nhưng thực tế, hoạt động quảng cáo trên nhiều đường phố Hà Nội vẫn còn rất lộn xộn, không đúng quy chuẩn. Câu chuyện về quảng cáo lai căng, sính ngoại, trở thành “rác” quảng cáo vẫn nhức nhối hằng ngày. Không chỉ riêng tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, tình trạng này cũng đang diễn ra. Thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Đà Nẵng từng khiến nhiều du khách Việt bức xúc khi có khoảng 70%-80% cửa hàng trên nhiều tuyến phố treo biển hiệu, bảng quảng cáo có tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, một số ít ghi bằng tiếng Anh hoặc song ngữ. Khu du lịch Bãi Cháy tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng từng bị lên án vì nhiều hàng quán chỉ đề tiếng Trung Quốc; tiếng Việt nếu có thì cũng rất nhỏ...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Lê Thị Hồng Hạnh cho biết, đơn vị đã tham mưu thành phố trong việc đề ra các quy định, đồng thời gửi văn bản tới các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu chủ kinh doanh sửa đổi. “Quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn hiện được giao về cho các địa phương. Trong việc rà soát, kiểm tra và xử phạt những trường hợp vi phạm, vai trò của các quận, huyện, thị xã rất quan trọng. Thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa làm tốt công tác quản lý hoạt động quảng cáo”, bà Lê Thị Hồng Hạnh nêu.

Là quận trung tâm, nơi có nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ, quảng cáo diễn ra sôi động, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm Nguyễn Đan Sa cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện vẫn có nhiều bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm quy định hiện hành, đặc biệt là việc sử dụng tiếng nước ngoài trên biển quảng cáo không theo quy chuẩn. “Chúng tôi đã rà soát, thanh tra và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc này cần thêm thời gian để kết hợp vừa xử lý vi phạm vừa tuyên truyền, nhắc nhở”, bà Nguyễn Đan Sa chia sẻ.

Quản lý, xử lý vi phạm chưa nghiêm

Trước tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo diễn ra phổ biến, không ít người cho rằng nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý, chế tài xử phạt chưa nghiêm. Các chuyên gia cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng “tiếng tây át tiếng ta” trong hoạt động quảng cáo là do công tác quản lý của các cấp, địa phương chưa sát sao; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm.

Tìm hiểu về công tác quản lý hoạt động quảng cáo thì thấy rằng, Luật Quảng cáo quy định rõ là biển hiệu dành cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh gồm các nội dung: Có tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại; chữ viết trên biển hiệu đúng quy định (theo Điều 18). Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều biển hiệu không được thực hiện như luật định mà biến tấu ngẫu hứng thành quảng cáo tên thương hiệu hoặc tên sản phẩm. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quảng cáo, việc viết, đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân không bắt buộc thông qua quy trình thẩm định, cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, mà chủ yếu là xin phép cấp địa phương.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), theo phân cấp, phân quyền quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ cấp phép, duyệt hồ sơ đối với những bảng, biển quảng cáo lớn; biển hiệu quảng cáo là do các địa phương quản lý. Song thực tế, vẫn còn tình trạng nhầm lẫn giữa khái niệm biển hiệu và biển quảng cáo, dẫn đến việc nhiều biển hiệu có nội dung như quảng cáo khi đơn vị, cá nhân “lách luật” bằng cách đề tên thương hiệu nước ngoài hoặc tên sản phẩm, chữ viết nước ngoài trên biển hiệu.

Điều 48 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (ngày 29-3-2021) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nêu rõ: “Hành vi không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Mức phạt trên được áp dụng cho cá nhân, đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra còn buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi vi phạm”. Theo Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, năm 2023, đơn vị đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo, tổng số tiền phạt là 1.360.500.000 đồng. Trong quý I-2024, Thanh tra Sở đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt là 650.000.000 đồng. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với cả triệu tấm bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm quy định vẫn hiện diện trên các tuyến đường, khu đô thị.

Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định trong lĩnh vực quảng cáo vẫn diễn ra phổ biến, mặc cho báo chí nhiều lần phản ánh. Điều này cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý ngành và các địa phương. Khi vẫn còn những lỗ hổng trong phân định trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm thì việc loại bỏ “rác” quảng cáo vẫn là bài toán khó giải.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động Bài 2: Phớt lờ quy định - Lỗi tại ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.