Đô thị

Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động

Hoàng Lân 10/06/2024 06:29

LTS: Sự phát triển của nhiều mô hình quảng cáo ngoài trời góp phần làm cho cảnh quan đô thị trên cả nước thêm sống động, hiện đại, song cũng dễ gây ra cảnh lộn xộn, nhếch nhác nếu không được giám sát chặt, xử lý nghiêm khi để xảy ra vi phạm.

Báo Hànộimới giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: “Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động”, phản ánh thực trạng, nguyên nhân và giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo nhằm giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị; đồng thời bảo đảm bản sắc trong xây dựng, phát triển thương hiệu.

Bài 1: Ngôn ngữ quảng cáo bát nháo, tùy tiện

Tại Hà Nội và nhiều thành phố khác, không khó để thấy sự đa dạng trong hoạt động quảng cáo qua các loại biển quảng cáo tấm lớn, bảng quảng cáo điện tử, quảng cáo rao vặt... Trong sự phong phú đó, có thể nhận ra sự tùy tiện, bát nháo của các cá nhân, đơn vị thực hiện quảng cáo, đặc biệt là trong việc sử dụng tiếng nước ngoài mà không tuân thủ các quy định hiện hành.

qc-1.jpg
Cần có những giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời nhằm giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị; đồng thời bảo đảm bản sắc trong xây dựng, phát triển thương hiệu. Trong ảnh: Biển quảng cáo trên phố Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) không đúng quy định.

Mỗi nơi một kiểu

Thực hiện chuyến khảo sát tại nhiều tuyến đường lớn, khu phố kinh doanh sầm uất, tập trung đông khách du lịch, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy có tới một nửa số biển quảng cáo đang sử dụng tiếng nước ngoài. Đơn cử, chỉ một đoạn đường chưa đầy 300m trên tuyến đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), có đến hơn chục biển quảng cáo không dùng tiếng Việt, như: “Sakuko - Japanese lifestyle space”, “Kaengnam intertainment clinic”, “Le fore”, “Adore dress”, “Torano”... Chưa kể, những kiểu bảng quảng cáo, biển hiệu nửa tây nửa ta như: “Bibo mart”, “Eva de Eva”, “Tocotoco”, “Hồng Anh shop”... có thể gặp ở bất kỳ đâu.

Trên một số con phố có nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản sinh sống, như: Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân, Nhân Chính, Linh Lang, Đào Tấn... nhan nhản biển quảng cáo bằng tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản. Trong khu phố cổ, biển quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Việt pha tiếng Anh... nhiều không đếm xuể.

Chị Ngô Thanh Hà, cư dân sống tại chung cư Hei Tower (Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chia sẻ, dù nhiều năm sinh sống ở khu vực này nhưng có những biển quảng cáo mà đến giờ chị vẫn không hiểu là giới thiệu mặt hàng gì.

Vào vai người đi thuê mặt bằng quảng cáo trên phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), phóng viên được anh Lê Quang Xô, chủ một cửa hàng trên phố này cho biết, anh từng cho rất nhiều khách thuê cửa hàng để kinh doanh đủ mặt hàng, từ thời trang cho đến hàng ăn. Từ đợt dịch Covid-19 đến nay, do việc kinh doanh không thuận lợi nên cửa hàng đổi người thuê liên tục.

Anh Xô không quan tâm những chủ kinh doanh đó treo biển hiệu với nội dung gì, sử dụng ngôn ngữ gì, bởi sau khi ký hợp đồng thuê mặt bằng xong thì khách được thoải mái đặt bảng biển hiệu quảng cáo theo ý của họ. Việc trên tấm biển đó viết tiếng Anh, tiếng Việt hay một ngôn ngữ nào khác không nằm trong giao kết của hai bên.

Quảng cáo kiểu "đánh đố” khách hàng?

Cũng trong đợt khảo sát, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy có không ít biển quảng cáo như "đánh đố” khách hàng. Có thể kể đến, cửa hàng bún chả trên phố Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) với biển quảng cáo “Buncha”; cửa hàng treo biển “Mango hello” gần đó - được hiểu là “Xoài, xin chào”, còn không rõ nơi đây bán đồ ăn, thức uống hay trang phục. Để nghe có vẻ tây hơn, nhiều chủ cửa hàng còn bỏ dấu chữ viết, tạo ra thứ biển hiệu quảng cáo lai căng như “Tran Anh shop”, “Ngoc Diep Restaurant”, “Chau Anh cafe”...

qc-2.jpg
Biển quảng cáo không đúng quy định trên phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân).

Tâm lý sính ngoại không chỉ thể hiện qua biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo trên những tuyến phố chính. Tại một số khu đô thị, tòa nhà chung cư cũng tràn lan việc dùng tiếng nước ngoài đặt tên cho công trình, như: “D’Capitale”, “Diamond Park Plaza”, “Grandeur Palace”, “King Palace”, “Ocean Park”, “Smart City”...

Tại khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đăng ký kinh doanh bằng tiếng nước ngoài nhiều khó kể hết. Chẳng hạn như “Silk Path” (phố Hàng Bông), “L’Hotel du Lac Hanoi” (Hàng Trống), “L’signature Hotel & Spa” (Bảo Khánh), “Imperial Hotel” (Hàng Hành), “Aurora Premium - A lifestyle hotel” (Hàng Bè)...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, tình trạng quảng cáo sính ngoại khiến cho bộ mặt đô thị tại nhiều tỉnh, thành phố mất đi bản sắc riêng. Điều đáng nói là trên nhiều biển quảng cáo, tiếng nước ngoài lấn át nội dung quảng cáo bằng tiếng Việt. Việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để tiếp cận đối tượng khách hàng quốc tế là quyền của chủ quảng cáo nhưng thực hiện quyền đó như thế nào lại là chuyện khác. Không phải cứ đặt tên thương hiệu “thật Tây” là hấp dẫn, là sang.

Còn theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, khi đặt tên cho các công trình, sản phẩm thì chủ đầu tư khu đô thị, tòa nhà hay các doanh nghiệp nên chọn dùng tiếng Việt. “Khi chúng ta khẳng định được bản sắc, hồn cốt của người Việt trong việc xây dựng thương hiệu, cách thức quảng cáo, sẽ tạo được giá trị lâu bền”, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận định.

Thực tế, trong lịch sử Việt Nam có nhiều thương nhân xây dựng nên những thương hiệu mạnh mang hồn cốt, văn hóa Việt. “Ông vua tàu thủy Việt Nam” Bạch Thái Bưởi sau khi mua lại những con tàu của Pháp đã đặt tên cho chúng là: “Hồng Bàng”, “Trưng Trắc”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Lê Lợi”, “Hàm Nghi”.

Ngày nay, nhiều thương hiệu lớn vươn ra quốc tế không chỉ nhờ vào chất lượng sản phẩm mà còn bởi thương hiệu có tên thuần Việt, như: “Cà phê Trung Nguyên”, “Cà phê Giảng”, “Phở Thìn”, “Phở Lý Quốc Sư”... Những thương hiệu này dù mở rộng thị trường tới bất cứ đâu cũng được nhiều người ghi nhớ, chọn dùng.

Những điều nói trên cho thấy, bản sắc thương hiệu Việt cần phải được thể hiện ngay từ tên gọi, hình thức quảng bá. Đó cũng là cách để chúng ta tồn tại, phát triển, không bị trộn lẫn hay lai tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.