Đô thị

Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động: Bài cuối: Cần quyết liệt hành động

Hoàng Lân 12/06/2024 - 06:23

Chế tài trong lĩnh vực quảng cáo khá rõ ràng nhưng đến nay, việc xử phạt đối với hành vi vi phạm này còn không ít khó khăn; từ quy định còn kẽ hở để tổ chức, cá nhân lợi dụng lách luật, đến lực lượng kiểm tra, giám sát cơ sở còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc.

Thực tế này cho thấy, cần có sự nhất quán trong thúc đẩy ý thức đến quyết liệt hành động để định hướng môi trường quảng cáo ngoài trời ngày một văn minh, giàu bản sắc văn hóa hơn.

t5.jpg
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được thông qua sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo. Ảnh: Hoàng Quyên

Nhận thức rõ vấn đề

Hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập, dù được phản ánh thường xuyên nhưng việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài không đúng quy định, cộng với nhiều vi phạm lớn, nhỏ khác vẫn đang diễn ra một cách công khai. Chẳng hạn như, việc quảng bá thương hiệu quốc tế, thương hiệu đăng ký kinh doanh bằng tiếng nước ngoài đôi khi không rõ ràng, có sự lập lờ nên rất khó kiểm soát, cơ quan quản lý nhà nước khó “bắt lỗi”.

Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia kiểm soát tốt hoạt động quảng cáo, việc sử dụng ngôn ngữ trên các bảng quảng cáo, biển hiệu là điều quan trọng. Muốn làm tốt điều đó thì việc đầu tiên là phải hiểu rõ sự lợi - hại của phần việc này. Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., ngôn ngữ quốc gia được thể hiện rất rõ ràng trên các biển quảng cáo.

“Ngay cả với những thương hiệu quốc tế thì trên bảng hiệu cũng thường có những dòng chữ bản ngữ. Tại nhiều quốc gia, hình ảnh thành phố trở nên sống động, đẹp mắt một phần là nhờ những tấm biển quảng cáo được thiết kế phù hợp với bản sắc địa phương. Việc tôn vinh bản sắc riêng dưới nhiều hình thức góp phần làm tăng sức hấp dẫn của điểm đến, tạo sức hút đối với du khách”, PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ.

Về vấn đề trên, đại diện thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, nhận thức của người dân về hoạt động quảng cáo còn hạn chế, dẫn đến cách hiểu chưa đúng về các quy định. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và cơ quan quản lý văn hóa cần quan tâm nhiều hơn tới công tác tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, việc quảng cáo tràn lan bằng tiếng nước ngoài mang đến hiệu ứng ngược, khiến các thương hiệu mất đi bản sắc Việt, thậm chí làm “méo mó” tiếng Việt.

“Ở đây, vai trò của các doanh nghiệp là rất lớn. Khi đặt tên cho sản phẩm, thương hiệu nên ưu tiên sử dụng tiếng Việt thay vì tiếng nước ngoài. Khi đặt tên nước ngoài để giao dịch quốc tế thì cần có cả tên sản phẩm bằng tiếng Việt. Trên bảng quảng cáo nên đề tên tiếng Việt ở vị trí trang trọng, rõ ràng. Đây là điều được quy định trong Luật Quảng cáo và cần phải được thực hiện nghiêm túc”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.

Nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý

Trước những vấn nạn về hoạt động quảng cáo, nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã đề ra giải pháp quản lý, quy hoạch nhằm tạo nên sự đồng bộ trong phát triển đô thị. Những con phố kiểu mẫu về quảng cáo được thí điểm xây dựng, điển hình như tuyến phố Lê Trọng Tấn... Việc “đồng phục hóa” biển quảng cáo trên tuyến phố này tuy gây ra sự tranh luận, ý kiến trái chiều nhưng cũng giúp cơ quan quản lý và chính quyền địa phương thu được bài học kinh nghiệm quý giá nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ giải pháp, tiến tới quản lý tốt hơn hoạt động quảng cáo, bảo đảm mọi hoạt động diễn ra đúng luật, đúng quy định, phát huy tinh thần sáng tạo nhưng vẫn giữ được bản sắc, sự chuẩn mực cả về nội dung và hình thức.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các mức xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng tại Điều 35 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (ngày 29-3-2021) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đối với các hành vi vi phạm là phù hợp với bối cảnh hiện nay, có tác dụng răn đe nhằm trả lại sự lành mạnh cho các hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải là đơn vị có trách nhiệm trong việc thanh tra, phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt.

“Để chấm dứt tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu, bảng quảng cáo thì ngoài ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cần quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Với thực tế phân cấp quản lý, cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo hiện nay, vai trò của các địa phương là rất lớn. Tuy vậy, khi được hỏi về sự xuất hiện tràn lan của các loại bảng quảng cáo, biển hiệu bằng tiếng nước ngoài trên địa bàn, đại diện một số quận, huyện, thị xã cho biết, do có quy định đặc thù về biển quảng cáo thương hiệu nước ngoài, tên đăng ký sản phẩm theo giấy phép kinh doanh nên việc phân định biển đúng luật và biển “lách luật” đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, lực lượng cán bộ địa phương chuyên trách hoạt động quảng cáo rất mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thị Thu Hương), Bộ đang tiếp tục theo dõi sát sao việc tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo từ Trung ương đến địa phương; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Bộ đề nghị Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng cáo, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố đôn đốc các địa phương nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có một số quy định mới đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời thay cho điều khoản cũ đã bộc lộ sự bất cập...

Bà Ninh Thị Thu Hương khẳng định, dự thảo Luật sẽ bảo đảm sự thống nhất, khả thi, điều chỉnh toàn diện những vấn đề bất cập được đặt ra trong hoạt động quảng cáo hiện nay. Hy vọng, Luật sửa đổi bổ sung khi được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo lai căng, sính ngoại: Từ nhận thức đến hành động: Bài cuối: Cần quyết liệt hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.