Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng ''thời trang xanh'' với nguyên liệu nguồn gốc từ tự nhiên có gì mới lạ?

Hải Yến| 18/09/2020 14:19

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ “thời trang bền vững” hay “thời trang xanh” đang dần trở thành định hướng và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với những người làm thời trang.

Sự báo động về môi trường song song với sự phát triển của khoa học công nghệ đã thôi thúc các nhà khoa học, hãng thời trang và nhà thiết kế nỗ lực tìm kiếm nguồn đầu vào mới, thân thiện với môi trường hơn. Cho đến nay, ngành thời trang đã sử dụng khá nhiều nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên được ứng dụng trong sản xuất, thậm chí từ rác thải. Bạn đã nghe qua những nguyên liệu đặc biệt ấy chưa? Nếu chưa hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem nó là gì và được ứng dụng như thế nào nhé!

1. Vải sợi tre

Một trong những công dụng độc đáo của cây tre là tạo thành một sản phẩm cực kỳ mềm mại, thoải mái và thân thiện với môi trường - một loại vải từ cây tre.

Trồng tre không cần đến hóa chất, tiêu tốn rất ít nước. Cây tre tạo ra nhiều hơn 35% oxy so với các loại cây khác và hấp thu một lượng lớn CO2 từ bầu khí quyển. Trong tâm thức nhiều người tiêu dùng, vải tre hấp dẫn bởi được xem là loại vải “sinh thái”, bảo vệ môi trường sống.

Đặc tính của vải sợi tre là kháng khuẩn tự nhiên, khử mùi, thấm hút và thoát mồ hôi, không gây dị ứng, bền màu…

2. Vải sợi lá dứa

Vải sợi dứa hay còn gọi là vải Pinatex được làm từ sợi cellulose có trong phụ phẩm lá dứa.

Theo ước tính của FAO, có khoảng 40.000 tấn lá dứa được tạo ra trên toàn thế giới mỗi năm, phần lớn trong số đó bị đốt cháy hoặc tự phân hủy. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu chúng không được sử dụng để tạo ra vải, môi trường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ lượng lớn rác thải ấy.

Đặc tính của vải sợi dứa là thoáng khí, bền, mềm, nhẹ và khá linh hoạt.

3. Vải polyester tái chế

Trong ngành công nghiệp thời trang, những chiếc chai nhựa cũ bị vứt đi có thể được tái sinh trở thành sợi polyester - một chất liệu quan trọng để sản xuất thành các sản phẩm thời trang thể thao.

Recyled polyester hay vải/sợi polyester tái chế từ chai nhựa cũ không chỉ mang đủ ưu điểm về tính năng như sợi polyester truyền thống mà còn có ý nghĩa tích cực với môi trường và có thể tái chế liên tục nhiều lần mà không suy giảm chất lượng.

Đặc tính của vải polyester tái chế là bền đẹp, ít nhăn, giữ form tốt, thông thoáng, không giữ lại nước/mồ hôi trên sợi vải…

4. Vải sợi cà phê

Quần jean pha sợi cà phê của Aaa Jeans.

Bã cà phê được tái sử dụng trong nhiều trường hợp như bón cho cây, khử mùi, làm đẹp… Tuy nhiên, khối lượng được tái sử dụng còn khiêm tốn so với lượng bã cà phê thải ra trên toàn thế giới. Một công dụng bất ngờ khác của bã cà phê đó là để làm… quần áo. Việc này không chỉ góp phần tái chế nhiều hơn bã cà phê mà còn tạo ra được một loại sợi có nhiều tính năng ưu việt. Đặc tính vải sợi cà phê là hút mùi, chống tia UV, mặc mát hơn, nhẹ hơn và giặt nhanh khô hơn.

Tuy chưa phổ biến nhưng tại Việt Nam đã có một số công ty thời trang ứng dụng vải sợi cà phê vào sản xuất. Trong đó, Aaa Jeans - một thương hiệu quần jean dành cho nữ đã đưa vải sợi cà phê vào sản xuất quần jean và cho ra đời quần jean pha sợi cà phê.

5. Vải sợi vỏ cam

Công nghệ “dệt vải từ vỏ cam” của Công ty Orange Fiber (Italia) đã mở ra một “cuộc đời mới” cho hơn 700.000 tấn phụ phẩm từ vỏ cam của Italia mỗi năm. Cellulose có trong vỏ cam sẽ được tách ra, tạo thành một vật liệu kiểu polymer có thể dệt thành sợi và làm thành vải.

Đặc tính của vải sợi vỏ cam là siêu nhẹ và rất mềm mại.

Có thể nói, những tính năng ưu việt mà vải sợi tự nhiên hay vải sợi tái chế mang lại đã mở ra một trang mới cho việc bảo vệ môi trường nói chung và ngành thời trang nói riêng. Trong tương lai, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có quyền hy vọng các nhà khoa học, các thương hiệu thời trang sẽ tìm ra nhiều chất liệu an toàn với môi trường hơn nữa để “thời trang xanh” có thể thay thế hoàn toàn “thời trang nhanh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng ''thời trang xanh'' với nguyên liệu nguồn gốc từ tự nhiên có gì mới lạ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.