(HNMCT) - Đại dịch Covid-19 như trận “đại hồng thủy” quét qua mọi lĩnh vực của đời sống, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội mà còn cả đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Những quy định về giãn cách xã hội, phòng, chống dịch khiến hầu hết các thiết chế văn hóa, trong đó có bảo tàng rơi vào cảnh đình trệ. Khi dịch Covid-19 tạm lắng, trong khi các ngành, các lĩnh vực đã dần trở lại trạng thái bình thường thì hệ thống bảo tàng vẫn hoạt động khá cầm chừng. Điều đó đặt ra cho các bảo tàng yêu cầu đánh giá hoạt động của mình, tự đổi mới, tái cơ cấu, nắm bắt xu hướng của thế giới để sớm hồi phục, phát triển.
Lao đao vì đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đón khách cũng như doanh thu của các bảo tàng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo khảo sát năm 2020 của UNESCO, gần 90% bảo tàng trên thế giới phải đóng cửa trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, 10% trong số đó có thể không mở cửa trở lại. Việc đóng cửa suốt thời gian dài đã khiến các bảo tàng trong và ngoài nước lao đao, không chỉ bởi lượng khách giảm tới hơn 70%, doanh thu giảm khoảng 80% so với giai đoạn trước dịch (năm 2019), mà còn bởi nhiều chương trình hoạt động bị đình trệ, cơ sở vật chất xuống cấp, khoảng 1/3 nhân sự đã bị cắt giảm, nghỉ hoặc chuyển việc...
Sự ảnh hưởng rõ nét nhất thể hiện ở việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực - lực lượng chính trong việc duy trì hoạt động của bảo tàng cũng như các hoạt động chuyên môn như trưng bày, kiểm kê, bảo quản hiện vật... Sau các đợt dịch, từ tháng 9-2021, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - đơn vị sự nghiệp có thu một phần, đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với 33 nhân viên do không đủ kinh phí để trả lương. Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật, Trưởng phòng Trưng bày, trong số 33 nhân viên đó có 10 nhân viên của phòng phải nghỉ việc, chỉ còn lại 6 cán bộ biên chế phải đảm trách công việc của 16 người. Đây là thách thức và áp lực lớn đối với các cán bộ của phòng vì vừa phải phục vụ khách tham quan, vừa thực hiện công tác chuyên môn.
Tương tự là trường hợp của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Thượng tá, Giám đốc bảo tàng Lê Vũ Huy cho biết: Bên cạnh việc tạm dừng các hoạt động giáo dục, truyền thông và thu hút khách tham quan khiến nguồn thu từ vé và dịch vụ bị sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bảo tàng thì nhiều hoạt động chuyên môn khác đều phải tạm dừng trong thời gian đại dịch. Nhưng khó khăn nhất là việc duy trì đội ngũ nhân sự bảo tàng trong bối cảnh không có nguồn thu. Vì thế, đến đợt dịch thứ 4, bảo tàng đã phải để 100% lao động hợp đồng tạm nghỉ việc.
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Hiện chỉ có 5 người trực tiếp đảm nhận tất cả các công tác nghiệp vụ. Do đó, bảo tàng gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu trong các lĩnh vực như quan hệ công chúng, giáo dục, truyền thông hay công nghệ thông tin...
Tìm “cơ” trong “nguy”
Sự xuất hiện bất ngờ và kéo dài của đại dịch Covid-19 đến nay vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Có lẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể thấy lại sự nhộn nhịp của các bảo tàng như thời điểm trước dịch. Nhưng thách thức và cơ hội luôn song hành với nhau, trong “nguy” luôn có “cơ”. Chính thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đã khiến những người trong ngành nhận ra nhu cầu tìm hiểu, khám phá bảo tàng của người dân tăng lên rõ rệt. Đây chính là cơ hội “vàng” để các bảo tàng tăng cường kết nối với công chúng thông qua internet với nhiều ứng dụng công nghệ, mạng xã hội như Zoom Meeting, Zalo, Instagram, Facebook, YouTube hay website của các bảo tàng. Đặc biệt, nhiều nơi đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng các bảo tàng ảo hay thực hiện các trưng bày trực tuyến ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách trong thời kỳ đại dịch.
Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại phải kể đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Từ năm 2013, bảo tàng này đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D vào việc xây dựng các trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước về giá trị của di sản văn hóa Việt Nam; đồng thời coi đó là cách lưu trữ hiệu quả. Ít ai nghĩ rằng, đây lại là “cuộc diễn tập” để Bảo tàng Lịch sử quốc gia ứng phó một cách bình tĩnh khi “trận đại hồng thủy” Covid-19 tràn tới. Từ nền tảng có sẵn này, bảo tàng đã mạnh dạn nâng cấp công nghệ để tăng chất lượng các trưng bày ảo. Nhờ đó, công chúng chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy tính, điện thoại là có thể tham quan bảo tàng trong không gian ảo, vừa thoải mái ngắm nghía các “báu vật” lịch sử ở nhiều góc độ vừa được các “trợ lý ảo” sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) thuyết minh trên nền âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên thú vị, sống động như thật. Sự thay đổi mang tính đột phá của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nhận được những phản hồi tích cực của công chúng. Lượng truy cập vào trang điện tử của bảo tàng cũng tăng lên nhanh chóng, với hơn 30 triệu lượt chỉ trong vòng 2 năm (từ tháng 6-2020 đến 6-2022).
Một trong những đơn vị ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19 là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi liên tục điều chỉnh thời gian đón khách vào các ngày trong tuần tùy theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu của công chúng. Thời gian đầu sau giãn cách (cuối năm 2021), bảo tàng chỉ đón khách vào các ngày cuối tuần; các ngày khác chỉ phục vụ các đoàn khách đặt trước. Đến tháng 7-2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bảo tàng mới mở cửa đón khách 6 ngày/tuần. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo tàng cũng phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh của bảo tàng tại các sự kiện lớn của thành phố.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã xây dựng một loạt hoạt động kích cầu dành cho công chúng, đặc biệt là đối tượng trẻ em như “Trở về tuổi thơ”, “Ngày của gia đình”, “Vui hè - Khám phá cùng bạn bè”... Các chương trình này chủ yếu hướng vào gắn kết gia đình, phát triển kỹ năng sống đồng thời hướng trẻ em vào việc tìm hiểu văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng đưa ra chương trình “Hương mùa thu Hà Nội” hay “Tết Việt” nhằm thu hút du khách đến từ miền Nam và các quốc gia khác đến với Hà Nội vào dịp mùa thu - mùa đẹp nhất trong năm của Hà Nội, đồng thời tạo cơ hội để du khách khám phá ẩm thực, trò chơi dân gian và phong tục truyền thống liên quan tới Tết Việt. Các hoạt động được thiết kế theo nhiều chủ đề khác nhau, qua đó khuyến khích các nhóm khách quay trở lại bảo tàng nhiều lần.
Nhưng, hiệu quả nhất trong việc thu hút khách đến với bảo tàng sau dịch Covid-19 phải kể đến Bảo tàng Hà Nội nhờ những đổi mới trong công tác truyền thông quảng bá và thay đổi cách tiếp cận bảo tàng. Nếu thường xuyên theo dõi hoạt động của bảo tàng này trên mạng xã hội, du khách có thể bắt gặp những bài viết do chính cán bộ bảo tàng viết hoặc du khách “review” (đánh giá) trên trang Facebook của bảo tàng và các hội, nhóm du lịch với những nhận xét tích cực về một điểm đến thú vị, có nhiều điểm check-in đẹp cùng nhiều trưng bày hấp dẫn. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền của Bảo tàng Hà Nội, kể từ sau khi mở cửa trở lại (tháng 7-2022) đến nay, bảo tàng đã đón hơn 65 nghìn lượt khách tham quan, một con số khá cao so với thời điểm dịch. Đặc biệt, đối tượng khách trẻ tuổi đến với bảo tàng chiếm đa số. Bí quyết để Bảo tàng Hà Nội hút khách mạnh mẽ như vậy là bởi các cán bộ của bảo tàng đã nắm được xu hướng phát triển của bảo tàng thế giới, sự thay đổi về thị hiếu của giới trẻ và đặc biệt là những phần trưng bày hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhưng vẫn truyền tải được hơi thở đương đại.
Mặc dù vẫn còn những thách thức, khó khăn phía trước nhưng cách làm của một số bảo tàng đã cho thấy minh chứng rõ nét nhất về “phép thử” đối với “sức khỏe” của hệ thống bảo tàng. Rõ ràng là bảo tàng nào chịu khó thử nghiệm, thay đổi tư duy tiếp cận khách tham quan và mạnh dạn đầu tư cho công nghệ hiện đại, bảo tàng đó sẽ thích nghi và có thêm cơ hội bứt phá trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.