(HNMCT) - Mặc dù các bảo tàng ở Việt Nam đã bắt đầu hoạt động trở lại kể từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng vẫn chưa thể phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng như trước. Để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh mới, có lẽ các bảo tàng cần một “cú hích”, sự thay đổi ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc xã hội hóa hoạt động sưu tầm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, bồi dưỡng nhân lực, định hình chiến lược. Dưới đây là ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu về hoạt động của bảo tàng trong tương lai.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam:
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động sưu tầm
Do đại dịch Covid-19, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì công tác sưu tầm và tổ chức hoạt động chuyên môn phục vụ khách. Nhưng đóng cửa bảo tàng không có nghĩa là không hoạt động. Công tác sưu tầm vẫn có thể thực hiện được trong trạng thái thích ứng với tình hình mới và khắc phục khó khăn về ngân sách trong bối cảnh đại dịch và sau đại dịch. Bảo tàng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động sưu tầm để bổ sung kho tư liệu, hiện vật thông qua huy động sự đóng góp và kết nối công chúng cùng chung tay với hoạt động của bảo tàng. Chúng tôi đã chủ động, sáng tạo, phát huy uy tín, thế mạnh để kết nối với các cá nhân, các nhà sưu tầm, cộng tác viên, các nhân vật lịch sử để thu thập tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khai thác nguồn lực xã hội, tiết kiệm hàng tỷ đồng trong sưu tầm tư liệu, hiện vật. Thông qua hình thức này, năm 2021, bảo tàng đã sưu tầm được 7.153 tài liệu, hiện vật và hình ảnh. Không những thế, hoạt động sưu tầm của bảo tàng cũng thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Không ít nhà sưu tầm văn hóa nước ngoài đã trao tặng nhiều bộ sưu tập có giá trị cho bảo tàng.
Từ những kết quả bước đầu, việc tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân để nối dài cánh tay sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh sẽ vẫn là hướng đi kiên trì của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới để giải quyết bài toán về ngân sách và kinh phí còn hạn hẹp trong bối cảnh hậu Covid-19, nguồn thu giảm do lượng khách tham quan chưa bình ổn trở lại.
Bảo tàng không chỉ là điểm dừng chân của di sản mà còn mang sức mạnh kết nối những người say mê di sản. Trên con đường sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, bảo tàng luôn cần người bạn đồng hành là những chủ nhân hiện vật đã đóng góp, làm giàu cho bảo tàng. Xã hội hóa hoạt động bảo tàng, đặc biệt là công tác sưu tầm chính là hướng đi bền vững cho sự phát triển của bảo tàng.
Thạc sĩ Phan Nhật Anh, Khoa Quản lý văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội):
Quan trọng nhất vẫn là con người
Công nghệ là một trong ba trụ cột chính tạo nên một bảo tàng hiện đại bên cạnh hai trụ cột còn lại là khoa học và nghệ thuật. Khoa học như người giám tuyển chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu, từ sưu tầm hiện vật đến nội dung và cuối cùng là xây dựng ý tưởng kịch bản trưng bày. Nghệ thuật ở đây chính là việc thiết kế nội thất, lộ trình tham quan, ánh sáng, màu sắc cho phù hợp với nội dung trưng bày. Đây là ba trụ cột chính làm nên sức hút cho bảo tàng. Tuy nhiên, để duy trì tốt ba trụ cột ấy, cần có trụ cột thứ 4 - quan trọng nhất, đó là con người.
Giải pháp hợp tác, chia sẻ cùng nhau sẽ khai thác tối đa điểm mạnh, tiềm lực, tính chuyên nghiệp của mỗi bên, mỗi chuyên ngành để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mà cụ thể ở đây là giữa bảo tàng với đơn vị chuyên môn về công nghệ và dịch vụ kết nối công chúng (ví dụ: Bảo tàng công nghệ du lịch/ nhà trường...).
Không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. Suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ truyền tải nội dung một cách hấp dẫn, sinh động để thu hút khách. Nội dung nghèo nàn thì dù có ứng dụng công nghệ cũng không thể giúp phần trưng bày trở nên hấp dẫn. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, chỉ sau vài năm, những công nghệ hiện đại nhất cũng có thể bị lạc hậu, trong khi khoản kinh phí đầu tư cho các thiết bị chuyên dụng của bảo tàng là rất lớn. Vì vậy, cần có nguồn nhân lực chất lượng, giỏi chuyên môn để có thể vận hành kỹ thuật tốt sau khi được chuyển giao công nghệ.
Các bảo tàng chỉ nên số hóa các triển lãm thông thường, các tác phẩm nằm trong bộ sưu tập. Còn những kiệt tác, những tác phẩm “độc nhất vô nhị” thì cần phải giữ lại cho mình. Các bảo tàng lớn trên thế giới cũng đã thực hiện nguyên tắc này khi nhiều kiệt tác nghệ thuật vẫn cần du khách tới tận nơi để thưởng thức.
PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Chủ động giải pháp thích ứng trong điều kiện mới
Điều quan trọng với các bảo tàng sau dịch Covid-19 là tổ chức lại cẩn thận các công cụ kỹ thuật số và không gian trưng bày ảo để tương tác hiệu quả với nhiều nhóm/ dạng khách tham quan, qua đó cung cấp trải nghiệm và thông điệp mà bảo tàng muốn chuyển tới khách.
Đại dịch Covid-19 và những tổn thất mà nó gây ra đối với các bảo tàng và khách tham quan đã buộc các bảo tàng phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận, phương thức hoạt động, tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và tư liệu theo cách khác.
Mỗi bảo tàng nên có kế hoạch cụ thể hóa chiến lược và tầm nhìn dài hạn, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, phân bổ nguồn lực. Đại dịch và việc đóng cửa có thể thay đổi vĩnh viễn chiến lược dài hạn của bảo tàng. Những kế hoạch dài hơi có thể không còn phù hợp, hoặc các chương trình đã định có thể phải hoãn lại, và các bảo tàng phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động mang tính thích ứng với tình hình mới.
Các bảo tàng cũng cần nâng cao nhận thức, chủ động chuẩn bị giải pháp kiểm soát và ứng phó với những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai, chẳng hạn như thiên tai, các đợt bùng phát dịch bệnh khiến bảo tàng lại phải đóng cửa dài ngày. Các bảo tàng cũng cần tính đến biện pháp thích hợp để bảo vệ bộ sưu tập trong thời gian giãn cách xã hội, xác định xem các nguồn cung cấp khẩn cấp có đầy đủ hay không, cần bổ sung những gì...
Việc đầu tư cho các dịch vụ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc này là điều vô cùng cần thiết. Ở phần việc này, điều quan trọng là bảo đảm sự kết nối và khả năng tương tác, thu hút khách tham quan trong môi trường ảo. Muốn vậy, cần đầu tư chất xám để nội dung trưng bày, những bộ sưu tập mà bảo tàng muốn giới thiệu trở nên độc đáo, phong phú, hấp dẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.