Trong 2 ngày 31-10 và 1-11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đường dây lừa “chạy việc” vào các ngành công an, y tế cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Trần Trọng Quyền (sinh năm 1984; trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng), Lê Đức Thọ (sinh năm 1974; trú tại xã Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng), Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1970; trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Trọng Mạnh (sinh năm 1983; trú tại xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Đỗ Thị Len (sinh năm 1989; trú tại Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo cáo trạng, trong thời gian từ cuối năm 2014 đến tháng 6-2016, Trần Trọng Quyền cùng các đồng phạm khoe với mọi người là quen nhiều lãnh đạo các ngành công an, y tế nên có khả năng xin cho nhiều người vào làm việc với mức “chi phí” từ 550-800 triệu đồng/suất.
Để tạo niềm tin, Trần Trọng Quyền đã làm giả các giấy tờ như: Thư đề nghị, thông báo tuyển dụng, quyết định tuyển dụng của Bộ Công an và Bộ Y tế, có dấu đỏ… Sau đó, Trần Trọng Quyền chụp lại hình ảnh bằng điện thoại, đưa Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Thanh gửi cho nhiều bị hại để họ tin tưởng rằng các bị cáo đã xin được việc cho nhiều người.
Ngoài ra, các bị cáo còn bố trí cho bị hại muốn xin vào ngành công an đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 19-8 của Bộ Công an, dẫn họ tới các trụ sở thuộc Bộ Công an; giới thiệu không đúng về việc các bị cáo làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Tin là thật, đã có 8 trường hợp nộp gần 5 tỷ đồng cho các bị cáo để xin vào ngành công an và các bệnh viện. Sau khi nhận tiền, 5 bị cáo không thực hiện bất cứ việc gì để giúp đỡ, xin việc cho các bị hại. Số tiền chiếm đoạt được, các bị cáo sử dụng chi tiêu, phục vụ nhu cầu cá nhân. Khi các gia đình bị hại đòi tiền, các bị cáo hứa hẹn quanh co, không trả lại.
Trong số các bị hại có trường hợp anh Đỗ Thanh T (quận Hà Đông, Hà Nội). Qua người quen giới thiệu, anh T nhờ Nguyễn Thị Thanh và Trần Trọng Quyền xin vào làm việc trong ngành công an với mức “chi phí” 650 triệu đồng. Để gia đình anh T tin là thật, ngày 5-2-2016, nhóm bị cáo đưa bị hại đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 19-8. Hai tháng sau, các bị cáo đưa cho anh T xem quyết định tuyển dụng vào ngành công an giả. Khi anh T muốn chụp lại quyết định này, các bị cáo nói dối đây là "bí mật" không được lộ ra ngoài. Tuy nhiên, sau đó thấy không nhận được quyết định đi làm nên anh T đã tố cáo nhóm lừa đảo ra cơ quan công an.
Cũng trong thời gian "chạy việc" cho anh T, biết em gái anh T cũng có nguyện vọng xin vào làm việc trong ngành công an, Nguyễn Thị Thanh gợi ý giúp với “chi phí” 800 triệu đồng. Cuối tháng 5-2016, Nguyễn Trọng Mạnh trong vai "cán bộ Cục Cảnh sát công nghệ cao" cùng Đỗ Thị Len đưa cô gái đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an). Sau đó, Đỗ Thị Len thúc giục gia đình cô gái chuyển trước 50% số tiền trên để dẫn lên gặp lãnh đạo có thẩm quyền. Nhận tiền xong của các bị hại, nhóm này chia nhau và không lo được cho họ vào ngành công an như đã hứa.
Sau khi xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Quyền mức án 15 năm tù; các bị cáo còn lại lĩnh án từ 10 năm đến 12 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.