Một số bệnh viện tùy tiện hoán cải ô tô thành xe cứu thương, ký các hợp đồng liên kết với đối tác vận chuyển kém uy tín, trong khi Sở Y tế, Sở GTVT lúng túng trong quản lý. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để xe cứu thương “dù” trà trộn, phát triển.
Xe cứu thương mang biển dành cho xe tải tại Bệnh viện E |
Theo Thông tư 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính (hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ) thì xe cứu thương là một trong năm trường hợp được miễn phí đường bộ. Theo một lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên đường Giải Phóng, Hà Nội, xe cứu thương sẽ không có tem phí đường bộ, nếu có, nhiều khả năng là xe cứu thương giả, đã được hoán cải. Qua theo dõi, phóng viên ghi nhận, nhiều xe cứu thương “dù” vẫn được dán tem phí đường bộ kèm với tem đăng kiểm phương tiện, thậm chí nhiều xe còn mang biển C (biển dành cho xe tải hoặc xe bán tải), biển D (dành cho xe tải).
Tại Bệnh viện E (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), khuôn viên của bệnh viện xuất hiện thường xuyên các xe mang BKS: 30A-874.85, 29V-6373… trong đó, có một số xe đang dán tem phí đường bộ. Đáng chú ý, tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện E còn xuất hiện xe mang BKS 29D-047.92. Theo đăng ký, chiếc Toyota là ô tô tải, số lượng được chở tối đa là 3 người.
Ngoài những chiếc xe chở khách, xe tải được sử dụng sai mục đích, chúng tôi đã tiếp cận với “lò độ” xe tại đường Tam Trinh, nơi từng hoán cải cho nhiều loại xe, trong đó có cả những ô tô 9 chỗ, xe tải thành xe cứu thương. Thợ sửa xe tên Cường cho biết, xe cứu thương là một trong những xe chế đơn giản nhất: Chỉ cần bỏ hàng ghế sau, hàn thêm lẫy đặt giường nằm, sơn lại cho đúng màu xe, tổng chi phí không quá 30 triệu đồng. Cũng theo anh này, các xe “độ” chủ yếu là các dòng cũ như Mitsubishi L300, Toyota Hiace… giá trên dưới 300 triệu đồng.
“Loại xe đời năm 90 cũng có, giá chỉ hơn 100 triệu, tuy nhiên đi hay hỏng và ăn xăng, nên người ta thường sử dụng từ đời 2000 trở lên”, anh Cường nói.
Chúng tôi tiếp tục có mặt tại Chợ Trời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để tìm mua đèn còi ưu tiên. Ở đây, đèn còi được bày bán công khai, bộ đèn còi 1m 2 chớp đèn LED xanh đỏ, kèm bộ đàm, còi ủ, xuất xứ Trung Quốc được phát giá 6 triệu đồng. Ngoài ra, các loại đèn dạng đặt lên nóc, còi ưu tiên cũng được chào bán với giá chỉ 1- 2 triệu đồng.
Theo một chủ xe cứu thương “dù” thì nếu đầu tư, có thể đặt mua xe cứu thương nhập khẩu từ các đại lý xe chính hãng, mới 100%. “Quan trọng là phải kết nối được với các “cò” trong viện, nếu có mối quan hệ tốt thì làm không hết việc”, anh này khẳng định. Liên hệ với đại lý Hyundai Hà Đông, nhân viên bán hàng ở đây cho biết, hiện đại lý đang sẵn dòng máy dầu nhãn hiệu Starex đời 2015, giao xe ngay, giá bán 685 triệu đồng. Theo nhân viên tư vấn, thủ tục đăng ký xe trên Phòng CSGT khá đơn giản, chỉ cần có giấy mua bán là có thể đăng ký xe cấp cứu. Do được miễn thuế trước bạ nên tổng chi phí mua xe sau khi lấy biển chỉ xấp xỉ 700 triệu đồng.
Không có chế tài xử phạt
Ông Nguyễn Xuân Lực, Phó Trưởng Phòng Hành chính Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều) cho biết, do nhu cầu vận chuyển của bệnh viện không nhiều nên bệnh viện chỉ có 2 xe cứu thương. Còn lại, bệnh viện ký hợp đồng hợp tác với Cty TNHH Vận chuyển người bệnh Anh Vũ để vận chuyển người bệnh. Nội dung hợp tác ghi rõ: Cty Anh Vũ sẽ có 2 xe cứu thương đỗ 24/24 giờ trong khuôn viên bệnh viện. Thực tế, xe cứu thương dán dòng chữ “Cấp cứu 117” chỉ còn 1 xe tại Bệnh viện K, còn lại chủ yếu tập trung tại Bệnh viện 103 cạnh đó.
Khi nối điện thoại với lãnh đạo Cty Anh Vũ, thì vị này khẳng định: Công ty chỉ còn có 1 xe Cứu thương 117, các xe 117 còn lại là của một công ty khác. Tuy nhiên, chiếc xe cuối cùng cũng sắp được bán. Thắc mắc về hợp đồng Cty đã ký với Bệnh viện K cơ sở 3, vị này từ chối thẳng thừng với lý do ảnh hưởng đến kinh doanh rồi dập máy. Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty Anh Vũ do bà Cồ Thị Thúy làm giám đốc có trụ sở chính tại phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình. Do nằm ngoài địa bàn Hà Nội, nên mọi hoạt động xe cứu thương 117 của đơn vị này, các cơ quan chức năng ở Hà Nội đều không nắm được.
Tại Bệnh viện E hiện có nhiều xe cứu thương “lạ” hoạt động. Một bác sĩ tiết lộ, xe cấp cứu của bệnh viện này hầu như do các bác sĩ bệnh viện chung vốn, đóng góp tạo nên tổ xe cứu thương. Có lẽ vì những lý do tế nhị đó, nên dù được chỉ định trả lời báo chí từ lãnh đạo bệnh viện, nhưng ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Hành chính (kiêm tổ trưởng tổ xe) Bệnh viện E vẫn không chịu trả lời các câu hỏi của phóng viên. Khi nối máy với lãnh đạo bệnh viện yêu cầu ông hợp tác, ông này vẫn dửng dưng và khẳng định: Không có trách nhiệm trả lời!
Về những xe cấp cứu tại Tổ xe của Bệnh viện E, CSGT Hà Nội thông tin, theo quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chỉ được hoán cải ô tô chở khách thành xe cứu thương. Như vậy, có thể khẳng định chiếc xe cấp cứu mang BKS 29D-047.92 thường xuyên xuất hiện tại Bệnh viện E không được phép tham gia nhiệm vụ cấp cứu.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội thì sở này chỉ quản lý các phương tiện của các bệnh viện thuộc sở, còn những bệnh viện thuộc Bộ Y tế thì không kiểm soát. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, xe cứu thương là loại hình vận tải đặc biệt, là xe chuyên dùng phục vụ công tác y tế nên việc quản lý phương tiện này chưa được như với các loại hình xe vận tải khác. Lãnh đạo Sở GTVT cũng thừa nhận, dù là phương tiện giao thông nhưng Sở GTVT không quản lý bất cứ xe cứu thương nào. “Đây là một kẽ hở trong quản lý. Chúng tôi sẽ sớm có đề xuất với Bộ GTVT có quy định để quản lý chặt chẽ loại hình này”, ông Linh nhận định.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thủ tục đăng ký xe cứu thương cơ bản gồm: Giấy khai đăng ký xe, giấy tờ chủ xe, giấy tờ của xe. Như vậy, để đăng ký một chiếc xe cứu thương, người mua xe không cần bất cứ giấy tờ gì liên quan đến ngành Y tế.
Lực lượng CSGT Hà Nội đã đăng ký, cấp biển kiểm soát cho 1.407 xe cứu thương. Tuy nhiên, mới chỉ cấp phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên cho 55 xe. Lý giải cho số lượng cấp phép quá ít so với số lượng được cấp đăng ký, đại diện Phòng CSGT Hà Nội viện dẫn Nghị định 171 ngày 13/11/2013 của Chính phủ hiện nay chưa quy định chế tài xử lý đối với các trường hợp xe cứu thương sử dụng còi ưu tiên không có giấy phép. Do đó, số lượng xe cứu thương đăng ký rất thấp. Nếu có phát hiện các trường hợp xe cứu thương không có giấy phép sử dụng đèn ưu tiên, lực lượng CSGT cũng chỉ có thể lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu liên hệ Phòng CSGT địa phương để được cấp giấy phép.
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, cho hay, có hiện tượng một số xe cứu thương “dù” dán logo cấp cứu 115 hoặc “cấp cứu 24/24” kèm theo số điện thoại đuôi 115 để “đánh lận con đen”. Ông Chánh khẳng định: Bất cứ xe cứu thương nào có logo 115 mang “biển trắng” của thành phố Hà Nội, đều là xe “dù”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.