(HNM) - Hàng loạt giải pháp đã được TP Hà Nội, Sở GTVT và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội triển khai thời gian qua đã tạo dựng hình ảnh xe buýt ngày càng thân thiện hơn với người dân Thủ đô.
Hợp lý hóa luồng tuyến
Những câu chuyện về xe buýt bỏ bến, bỏ điểm dừng, xả khói đen, hành khách khó tiếp cận… chưa hẳn đã hết, nhưng lượng hành khách đã tăng nhanh trên toàn hệ thống theo từng năm. Ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (đơn vị đảm nhận khoảng 90% sản lượng vận tải xe buýt toàn thành phố) nói: Trước đây, trong suy nghĩ, người ta mặc định rằng xe buýt để dành cho học sinh, sinh viên, người nghèo… nhưng bây giờ, hành khách đi xe rất đa dạng, có cả cán bộ công chức, kỹ sư, bác sĩ, có những ông bà về hưu tuần đôi lần lên xe buýt ngồi 7-10km ra vào thành phố để thăm con, thăm cháu… Dù xe buýt lúc nào cũng đông, nhưng họ chọn bởi sự tiện lợi, dễ tiếp cận và thân thiện hơn.
Hình ảnh xe buýt ngày càng thân thiện hơn với người dân Thủ đô. Ảnh: Linh Ngọc |
Nếu như trước đây, mỗi năm toàn hệ thống chỉ vận chuyển được 300-400 triệu lượt hành khách thì năm 2014 này, ước tính sẽ có hơn 480 triệu lượt hành khách đi xe thuộc mạng lưới buýt có trợ giá. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT) lý giải, thành công này trước hết đến từ mạng lưới tuyến đang từng bước được điều chỉnh và mở rộng. Trong năm 2012 - 2013, thành phố đã thực hiện hơn 240 lần điều chỉnh luồng tuyến nhằm cải thiện điều kiện vận hành, mở rộng vùng phục vụ ra các khu vực ngoại thành và các huyện thuộc địa bàn Hà Tây (cũ). Tính từ đầu năm 2014 đến nay, mạng lưới buýt được điều chỉnh thêm 9 lần với tổng cộng 20 tuyến. Sở GTVT đã tổ chức lại hoạt động tuyến số 20 Cầu Giấy - Phùng (kéo dài lên bến xe Sơn Tây) và đặt hàng thí điểm tuyến số 74 Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh… Trong các tháng cuối năm 2014 sẽ tiếp tục xây dựng phương án trợ giá cho 11 tuyến buýt không trợ giá hiện nay để từng bước đưa vào phục vụ dân cư tại các huyện Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã phát triển thêm 18 điểm dừng, 19 nhà chờ, xây dựng thêm làn đường dành riêng cho xe buýt và các điểm trung chuyển để kết nối hiệu quả các tuyến với nhau trên đường Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có 1.930 điểm dừng đón trả khách, 383 nhà chờ, 76 điểm đầu cuối, 5 điểm trung chuyển (Long Biên, Cầu Giấy, Nhổn, Trần Khánh Dư, Hoàng Quốc Việt) và 4,8km đường dành riêng cho xe buýt…
Đổi mới phương tiện
Vài ba năm trở lại đây, chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện đáng kể. Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, thời gian qua, hiện tượng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ đã giảm, thái độ phục vụ cũng được cải thiện. Hiện, tổng số phương tiện trên toàn hệ thống là 1.189 xe (tăng 13,7% so với năm 2010), trong đó phần lớn là xe dưới 10 năm tuổi.
Một vấn đề nữa đang được thành phố tập trung chỉ đạo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với xe buýt. Đáng chú ý là dự án ứng dụng công nghệ GPS trong công tác quản lý, giám sát và điều hành hoạt động xe buýt; tăng cường các kênh cung cấp thông tin cho hành khách thông qua trang web, số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị xe buýt khác. Tháng tư vừa qua, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đưa Phòng dịch vụ khách hàng vào hoạt động, chuyên cung cấp thông tin tra cứu tìm đường đi bằng xe buýt và giải quyết các khiếu nại của hành khách. Thành phố cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống thông tin đèn LED trên xe nhằm thông báo số hiệu tuyến, điểm đầu cuối; tăng cường lắp đặt hệ thống thông báo điểm dừng bằng loa phát thanh cho các phương tiện buýt có trợ giá. Trong đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã lắp đặt cho 100% xe buýt trên tất cả các tuyến…
Xe buýt đã và đang trở thành phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực của Thủ đô (đáp ứng 13% tổng nhu cầu đi lại), góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Không xa nữa, Hà Nội sẽ có thêm buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, qua đó người dân sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.