Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe buýt chưa hấp dẫn vì vướng nhiều rào cản, định kiến

Bài và ảnh: Tuấn Lương| 30/11/2022 19:25

(HNMO) - "Làm gì để xe buýt hấp dẫn hơn?" là chủ đề của cuộc tọa đàm do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức chiều 30-11. Tại buổi tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, xe buýt chưa đủ sức hấp dẫn do nhiều nguyên nhân, từ tính chưa hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến công tác vận hành dẫn tới không bảo đảm thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, còn nhiều người chưa nhận thức đúng việc phải ưu tiên cho vận tải công cộng nên "ném đá" khi thành phố có chính sách ưu tiên cho xe buýt.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Vận tải hành khách công cộng chưa đủ hấp dẫn

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố (bao gồm xe buýt, đường sắt đô thị) mới đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân.

Là một trong những người thường xuyên đi xe buýt, trải nghiệm nhiều loại hình xe buýt ở các nước khác, Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đánh giá: "Hệ thống vận tải bằng xe buýt ở Hà Nội tương đối ưu việt, nếu chấm điểm trên thang 100 điểm thì tôi chấm từ 70-75 điểm. Mạng lưới xe buýt phủ rộng; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến xe trong ngày đủ dài để đáp ứng nhu cầu của người dân; tần suất các chuyến xe khá dày, đoàn xe tương đối mới, mức chi phí rất rẻ để đáp đứng nhu cầu đa số người dân. Mặc dù có đặc tính ưu việt như vậy nhưng con số hành khách các tuyến buýt đảm nhận vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng".

Thừa nhận vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng 18% là con số khá khiêm tốn trong khi chỉ tiêu thành phố Hà Nội đặt ra cho năm 2022 là khoảng 21-23%, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ tính hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến chất lượng công tác vận hành... Mạng lưới chưa hợp lý khiến nhiều chuyến đi bị lòng vòng làm giảm tính hấp dẫn; tính liên thông, trung chuyển nội mạng còn thiếu; trùng lặp tuyến... Theo khảo sát của trung tâm, đa số hành khách đều cho biết thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ.

Bên cạnh đó, những dịch vụ phụ trợ như thông tin hành khách, hạ tầng, khả năng kết nối tiếp cận vẫn đang còn nhiều tồn tại; nhận thức của người dân với phương tiện công cộng còn nhiều định kiến.

Tổng hòa của rất nhiều yếu tố đó khiến "bức tranh" vận tải hành khách chưa được đẹp, chưa đủ sức hấp dẫn để người dân sẵn sàng từ bỏ xe máy, phương tiện cá nhân để chuyển sang xe buýt. Đối tượng đi xe buýt hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên trong giờ cao điểm. Những người buộc phải đi đúng khung giờ cao điểm sẽ không lựa chọn xe buýt vì rủi ro nhiều về chậm giờ.

Xe buýt chưa thực sự hấp dẫn hành khách.

"Làm gì để xe buýt hấp dẫn hơn?"

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, mấu chốt nằm ở yếu tố thời gian của chuyến đi. Để thu hút được hành khách phải khắc phục ngay tồn tại, cải thiện điều kiện vận hành để xe buýt đi nhanh hơn, đúng giờ hơn.

Hiện có nhiều loại hình minh chứng cho việc này. Như buýt nhanh BRT dù còn rất nhiều chỉ trích nhưng rõ ràng, thành phần đi lại thường xuyên chính là cán bộ, công chức. Nhân viên công sở, văn phòng dọc hành lang tuyến BRT có nhiều người bỏ cả ô tô và chuyển sang đi BRT.

Tương tự, gần đây, tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng vậy. Nhiều người sống, làm việc dọc hành lang này đều lựa chọn tàu điện trên cao để di chuyển.

Đồng thuận quan điểm tính đúng giờ là yếu tố then chốt, ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược giao thông vận tải) dẫn chứng: "Ngay tại cơ quan tôi, nhiều người bỏ xe cá nhân để chuyển sang đường sắt đô thị. Việc di chuyển, điều khiển phương tiện cá nhân trên đường vào giờ cao điểm rất căng thẳng nên chỉ cần thời gian di chuyển bằng, thì dù có phải nối tuyến, người dân vẫn sẵn sàng sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Để hấp dẫn hành khách đi xe buýt, không chỉ phải tạo thuận lợi cho xe buýt mà còn phải kiểm soát sự gia tăng của xe cá nhân"...

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) nêu rõ: "Cần thay đổi tư duy để vận tải hành khách công cộng có điều kiện phát triển. Không phải thành phố không có những chính sách ưu tiên cho xe buýt nhưng một số chính sách ngay khi đưa ra đã bị dư luận "ném đá". Mục tiêu hướng tới là xe buýt đi nhanh hơn, đúng giờ hơn để thu hút hành khách nhưng khi có ưu tiên thì đa số người dân phản đối. Số người hiểu rằng phải tạo điều kiện cho vận tải hành khách công cộng còn ít".

Để xe buýt hấp dẫn hơn, ngoài việc các đơn vị vận hành đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ thì yếu tố chính là ưu tiên trong tổ chức giao thông. Cùng với đó, cần tuyên truyền quảng bá để xã hội nhìn nhận đúng vai trò của vận tải hành khách công cộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt chưa hấp dẫn vì vướng nhiều rào cản, định kiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.