(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội đang có tình trạng nhiều ngôi trường được đầu tư xây dựng tiền tỷ rồi bỏ không, trong khi đó học sinh thiếu lớp học phải học dồn...
Hoàn thiện cho... mối xông, rêu mọc
Trường THCS Cộng Hòa, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai nếu không giăng tấm biển "Nhiệt liệt chào mừng năm học mới" trên hai cột trụ xây dở dang, chắc chẳng ai nhận ra đó là một cơ sở giáo dục đào tạo. Hằng ngày cô trò phải đi qua bốn cột trụ xây nham nhở và khoảng sân lầy lội để tới lớp. Lắm khi giờ học đang im phăng phắc bỗng vang lên tiếng máy khoan, máy cưa ầm ĩ. Theo phản ánh của các cô giáo, nhóm thợ chỉ dăm ba người này làm việc rất cầm chừng, thi thoảng mới thấy xuất hiện "làm phép", trát tường hay đấu nối điện… được vài ba ngày lại không thấy nhóm thợ đâu. Có nhiều lần giáo viên thắc mắc lên chính quyền xã thì thấy nhóm thợ khác xuất hiện vài ngày rồi lại đi đâu mất…
Cô trò trường Cộng Hòa thêm một năm nữa dạy và học trong ngôi trường như bãi hoang. |
Thực trạng này đã kéo dài 3 năm nay, từ năm 2010 Trường THCS Cộng Hòa được đầu tư xây mới 2 khối nhà 2 tầng nhưng gần xong thì bỏ hoang mọc rêu xanh và để hoang phế. Nghịch cảnh này đang gây bức xúc cho người dân địa phương. Ông Xuân Quang, người dân xã Cộng Hòa bức xúc: "Ngôi trường đầu tư tiền tỷ không biết vì lý do gì ba năm để dang dở". Nói về thông tin trường bỏ hoang dể dân nuôi bò, ông Vương Đắc Thủy - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, Quốc Oai thanh minh, cả xã chỉ có vài con bò người dân nuôi theo tập quán thả rông nên không thể có chuyện trường thành chuồng bò (?).
Trường THCS Tân Hòa nằm cách trường Cộng Hòa chỉ quãng ruộng cũng nằm trong tình trạng tương tự. Ngôi trường được chi hàng tỷ đồng để xây thêm phòng học nhằm đạt chuẩn nhưng sau 2 năm hoàn thiện, các phòng học mới xây của trường vẫn chưa được đưa vào sử dụng mà để cho... mối xông. Các phòng học hầu hết khung cửa bị mối xông; nền và hành lang bị bong tróc gạch lát; kính cửa sổ bị vỡ. Sân trường rộng hơn 200m2 người dân tận dụng phơi gỗ, trâu bò phóng uế vương vãi bốc mùi sặc sụa.
Trường xây mới bỏ hoang phế không thể sử dụng, trong khi trước áp lực học sinh tiểu học trên địa bàn xã ngày càng tăng. Không còn cách nào khác, hơn 600 học sinh tiểu học ở xã Lại Thượng (Thạch Thất) vẫn phải "dạy chung", "học dồn" nhờ trong dãy trường lớp của trường THCS gần đấy. Cơ sở vật chất của Trường THCS Lại Thượng vốn đã chật hẹp, giờ khó khăn càng chồng chất khi phải "gánh" thêm thầy trò cấp tiểu học. Cô giáo Chu Thị Bảy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Thượng cho biết: "Hai cấp học, cùng sử dụng một điểm trường trong khi áp dụng hai hình thức giáo dục hoàn toàn khác nhau khung giờ học cũng không giống nhau khiến cho sinh hoạt cô và trò luôn bị động. Chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục nhưng về lâu dài tình trạng này không ổn".
Huyện, xã chịu thua doanh nghiệp?
Theo điều tra của phóng viên, năm học 2011-2012 Trường THCS Cộng Hòa, không thiếu phòng học, chỉ thiếu phòng học bộ môn (phòng thí nghiệm, thực hành). Để đạt "chuẩn quốc gia", trường phải có 3 phòng học bộ môn với diện tích 1,95m2/học sinh (40 học sinh/lớp). Tuy nhiên, các phòng học trong dự án cải tạo, nâng cấp Trường THCS Cộng Hòa và Trường THCS Tân Hòa ở Quốc Oai đều là các phòng học thông thường, diện tích 54m2 không đạt chuẩn. Chủ đầu tư của hai dự án trên đều là thuộc về Công ty TNHH Trường Sơn - một doanh nghiệp địa phương có trụ sở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ông Vương Trí Kiểm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, dự án xây dựng Trường THCS Tân Hòa được UBND huyện Quốc Oai đầu tư kinh phí xây dựng. Công trình khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011. Phần lớn các phòng học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu, hiện chỉ còn phòng chức năng và một số phòng học, do thiếu hệ thống điện, quạt nên chưa được nghiệm thu và bàn giao cho nhà trường. Đợt nghỉ hè vừa qua, một số phòng bị đập vỡ mất cửa kính, một số phòng bị mối xông, gạch lát nền bị phồng, cong. UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo đơn vị thi công phải hoàn thành tất cả các hạng mục còn dang dở, chậm nhất đến ngày 15-9 toàn bộ số phòng này phải được đưa vào sử dụng.
Còn ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, theo hợp đồng xây dựng được ký giữa chủ đầu tư là UBND xã Cộng Hòa và đơn vị thi công là doanh nghiệp Trường Sơn thì công trình tu sửa và xây mới Trường THCS Cộng Hòa bắt đầu khởi công từ tháng 7-2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2011. Dự án gồm hai hạng mục chính là sửa chữa 10 phòng học cũ và xây mới thêm 10 phòng nữa. Ngoài ra còn một số hạng mục phụ như nhà phòng bộ, phòng chức năng, sân trường, tường rào, khu vệ sinh... tổng số vốn đầu tư ban đầu của dự án là hơn 9 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên thành hơn 11 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 5-2011 mới chỉ có 10 phòng sửa chữa lại là hoàn thành và đưa vào sử dụng; 10 phòng xây mới xây xong phần thô vào năm 2012 nhưng chưa được quét vôi, sơn nhưng đã đưa vào sử dụng. Hiện còn một số hạng mục như phòng hiệu bộ, phòng chức năng, tường rào, cổng chào vẫn chưa hoàn thành. Ông Thủy khẳng định, dù chủ đầu tư liên tiếp chỉ đạo đôn đốc sớm hoàn thành thi công để nghiệm thu công trình nhưng phía doanh nghiệp vẫn chây ỳ, thi công cầm chừng. Đó là lý do đến tận bây giờ công trình vẫn chưa hoàn thành.
Phía đơn vị thi công không giải thích lý do chậm trễ nhưng theo Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, có lẽ do khó khăn về tài chính. Được biết đây không phải là công trình trường học duy nhất doanh nghiệp này nhận thi công ở xã Cộng Hòa thậm chí công ty này còn đang làm rất nhiều công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn huyện Quốc Oai và ở những nơi ấy cũng chậm chạp như ở Cộng Hòa và Tân Hòa. Tháng 6-2013, UBND xã Cộng Hòa đã có công văn đôn đốc đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình, đồng thời Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa đã nhiều lần trực tiếp điện thoại, nhưng chủ doanh nghiệp tắt máy di động, không thấy "sủi tăm".
Trong khi đó, công trình xây dựng Trường Tiểu học thôn Hoàng Xá (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) được xây dựng theo phân cấp đầu tư, hoàn thiện dần, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các huyện, các công trình phụ trợ thuộc trách nhiệm của Phòng GD-ĐT có lẽ do các hạng mục tường bao, nhà vệ sinh, cổng chào, sân chơi cho học sinh không nằm trong thiết kế ban đầu nên là nguyên nhân chậm tiến độ công trình. Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất thừa nhận, việc một công trình có số vốn đầu tư hàng tỷ đồng như Trường Tiểu học thôn Hoàng Xá không thể đưa vào sử dụng và bị bỏ hoang suốt ba năm qua là một sự lãng phí rất lớn. Khi công trình được hoàn thành năm 2009, xã Lại Thượng đã cố bàn giao cho Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lại Thượng tiếp nhận với quan điểm "cố gắng khắc phục dần những hạng mục công trình còn thiếu", nhằm quyết tâm đưa công trình vào sử dụng để tránh lãng phí và chấm dứt tình trạng học ghép".
Ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết thêm, căn cứ theo luật, nếu khi đơn vị thi công không hoàn thành công trình đúng hạn, chủ đầu tư có quyền thanh lý hợp đồng. Nhưng trên thực tế để thanh lý hợp đồng rất khó vì họ là doanh nghiệp của địa phương, hơn nữa những hạng mục đang dang dở, rất khó để nghiệm thu… Chúng tôi đã trao đổi với Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai thì được biết "đơn vị chỉ nắm về chuyên môn, còn việc cơ sở, vật chất thuộc về thẩm quyền của huyện", dù trước đó, khi chúng tôi đề cậtpp về vấn đề này, ông Đỗ Lai Bình, Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai đã "chuyền" sang cho ông Phương trả lời. Lẽ nào cả huyện, xã đều chịu thua doanh nghiệp?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.