Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn chưa mang lại hiệu quả bền vững

Hữu Hoài| 11/10/2013 06:13

(HNM) - Với lợi thế về đất đai để phát triển nông nghiệp, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ sớm khẳng định được thế mạnh trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.



Từ khi dự án xây dựng vùng sản xuất RAT ở thôn Phú An được triển khai, địa phương này có thêm mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân không chỉ thoát nghèo mà còn tăng nhanh thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, mô hình sản xuất và kinh doanh RAT tại Thanh Đa không chỉ giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, còn tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, khuyến khích nông dân sản xuất rau hàng hóa.

Chăm sóc rau ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lê Tuấn


Sau hơn 2 năm triển khai trên quy mô 50ha, nông dân trồng nhiều loại rau đậu như cải xanh, cải cúc, mướp, bí, cà chua, dền, su hào, bắp cải cho năng suất đạt từ 25-30 tấn/ha, tăng 5 tấn so với cách trồng rau truyền thống. Theo tính toán, bình quân một lứa rau cho thu nhập 80-85 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi 50-55 triệu đồng. Thời gian từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch mỗi lứa rau khoảng 30-45 ngày, mỗi năm người trồng rau có thể gieo trồng 9-10 lứa, lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng. Để đạt hiệu quả cao, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã cử cán bộ hướng dẫn các hộ tuân thủ kỹ thuật làm đất, ủ phân, tưới nước, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức sơ chế, giám sát gắn nhãn mác và nhận diện RAT. Trong khâu tiêu thụ sản phẩm, ngoài cung ứng cho hàng chục doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm tại ruộng, HTX Nông nghiệp và UBND xã Thanh Đa đã mở 8 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại địa phương, địa bàn lân cận và nội thành...

Ông Nguyễn Văn Đạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, hiện nay hơn 400ha rau màu trên địa bàn huyện Phúc Thọ đều là những cánh đồng cho thu nhập cao. Rau xanh ở Phúc Thọ đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ý thức của nông dân về sản xuất RAT cũng được nâng cao, thực hiện quy trình khá nghiêm túc. Với diện tích vùng chuyên canh rau, người dân trồng 3-4 vụ rau trong năm, như vậy lũy kế, tổng diện tích trồng rau toàn huyện tương đương 1.400-1.600 ha/năm với năng suất bình quân 20-25 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 28-32 nghìn tấn. Với năng lực sản xuất, nguồn cung sản lượng đã đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh toàn huyện, ngoài ra còn cung cấp khoảng 40% sản lượng cho thị trường. Riêng diện tích rau đã được cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT ở 10 xã khoảng 280,7ha. Theo ông Đạc, tại các vùng chuyên canh trồng rau, người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật kết hợp với những kinh nghiệm sản xuất thâm canh đưa nghề trồng rau trở thành thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Phúc Thọ đang chỉ đạo các xã lập kế hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa...

Tuy nhiên, hiện nay, nghề trồng rau ở một số xã của huyện Phúc Thọ, hình thức tổ chức vẫn mang tính truyền thống, chưa mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất RAT. Thực tế sản xuất rau còn gặp nhiều rủi ro như giá cả không ổn định, được mùa giá rẻ, mất mùa giá đắt. Có thời điểm, giá 1kg rau cải có thể bán được chục nghìn đồng, nhưng có lúc chỉ được vài nghìn, thậm chí khi được mùa rau, sản lượng lớn thì rau rớt giá, người dân phải nhổ đi để trồng cây trồng khác. Do người tiêu dùng chưa thật tin tưởng, chưa phân biệt rau thường và RAT nên thu nhập của người trồng RAT chưa tương xứng với công sức và sự đầu tư cao hơn, không tạo được động lực khuyến khích người dân yên tâm đầu tư sản xuất RAT. Một khó khăn nữa đó là huyện Phúc Thọ đang thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất RAT.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới RAT của Hà Nội đến năm 2020, huyện Phúc Thọ đã tiến hành lập kế hoạch triển khai 5 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng chuyên canh sản xuất RAT, diện tích 240ha với tổng mức đầu tư gần 178,7 tỷ đồng. Song các dự án này đều trong tình trạng chờ vốn, trong khi ngân sách của huyện hạn hẹp không đủ khả năng để đầu tư. Ngay dự án vùng RAT của xã Thanh Đa dù đã hoàn thành các hạng mục công trình nhưng chưa đưa vào sử dụng hệ thống tưới và trạm bơm được vì thiếu kinh phí để xây trạm biến áp, hệ thống lưới điện, khiến việc sản xuất gặp khó khăn. Các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất RAT tại các xã Thọ Lộc, Võng Xuyên, Hát Môn và Vân Phúc đang lâm vào tình trạng thiếu vốn triển khai chậm.

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất RAT, xây dựng các vùng chuyên canh rau huyện Phúc Thọ đề nghị các sở, ngành, thành phố sớm xem xét bố trí vốn đầu tư cho các dự án RAT đã được phê duyệt quy hoạch. Về phía địa phương, cần nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất RAT, hướng dẫn, tập huấn cho người sản xuất tiếp cận thị trường đầu ra, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho người sản xuất RAT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn chưa mang lại hiệu quả bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.