(HNM) - Trong truyền thống của người Việt, đạo thầy trò luôn là những hình ảnh đẹp, đáng kính và trân trọng. Thầy giáo là người truyền dạy cho học trò kiến thức, đạo làm người và học trò kính trọng những người thầy của mình là điều rất tự nhiên.
Ngày nay, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục cũng được cả xã hội quan tâm, được ngành Giáo dục chú trọng. Dẫu vậy, khi xã hội ngày càng phát triển, nền văn hóa hội nhập, đa dạng sắc thái thì những nét ứng xử trong trường học cũng đang bị tác động mạnh mẽ, bên cạnh cái đẹp cũng tồn tại cả cái xấu.
Theo một khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục - Đào tạo dành cho học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy. Một số học sinh, sinh viên có hành vi vô lễ với thầy cô giáo, bạo lực với bạn học, thờ ơ, vô cảm với cộng đồng.
Trong khi đó, một bộ phận giáo viên cũng có những hành xử phản cảm với chính học trò, đồng nghiệp, với nhà trường nơi công tác; mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh đôi lúc không còn giữ được sự kính lễ như trước...
Tất cả điều đó là những khoảng trống đáng buồn trong văn hóa ứng xử ở môi trường sự phạm, vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nó cũng khiến cho xã hội phải trăn trở, làm gì để cho những hành vi ứng xử xấu xí, phản cảm không làm lu mờ cái đẹp, cái nhân văn trong môi trường sư phạm?
Có thể nói, giải bài toán phức tạp trên của ngành Giáo dục không chỉ đơn giản ở việc xử lý những cá nhân vi phạm, mà cần có biện pháp giải quyết từ căn cốt. Phải làm sao bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục phải liên tục được bồi dưỡng, trau dồi nội dung về tư tưởng, đạo đức để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử. Nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa.
Bên cạnh việc giải quyết những vấn đề về cơ chế chung, chương trình học, những quy định về việc xử lý vi phạm, thì mỗi nhà trường cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử mang tính chuẩn mực phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời cần thiết hình thành trong nhà trường mô hình Phòng tư vấn tâm lý, nơi các chuyên viên tư vấn sẽ giúp học sinh xử lý những tình huống gặp phải ở trường học cũng như trong cuộc sống. Đây cũng sẽ là một “chốt chặn” quan trọng để những cái xấu được ngăn chặn từ sớm, được chữa lành, không để lan rộng.
Tất nhiên, để giải bài toán khó về văn hóa ứng xử trong môi trường sư phạm sẽ không thể thiếu được vai trò của gia đình. Các bậc phụ huynh có trách nhiệm chính trong giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực, nêu gương ngay tại gia đình và cộng đồng; phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ tạo nên thế tam giác vững chắc để hình thành môi trường văn hóa học đường bền vững; không để cái xấu có cơ hội làm lu mờ cái đẹp trong môi trường sư phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.