Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa giao thông

Đình Hiệp| 03/08/2019 06:24

(HNM) - Với quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông trên cả nước, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang triển khai tháng cao điểm (từ ngày 15-7 đến 14-8) tổng kiểm tra đối với ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Tháng cao điểm không chỉ nhằm giảm tai nạn giao thông, mà còn góp phần tạo chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Tuy không phải là “điểm nóng” về tai nạn giao thông so với nhiều địa phương trên cả nước, song trong 6 tháng đầu năm 2019, tại Hà Nội vẫn xảy ra 640 vụ tai nạn giao thông, làm 265 người chết, 407 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 7 vụ, tăng 15 người chết và giảm 41 người bị thương.

Một vài số liệu trên để thấy, vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng chú ý là các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn; không đội mũ bảo hiểm; xe máy đi vào đường cao tốc, đường cấm; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông,… Đây là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn và ùn tắc giao thông thời gian qua.

Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) đã vào cuộc quyết liệt trong tháng cao điểm. Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã tập trung xử lý nghiêm tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác... Đồng thời, xử lý nghiêm người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, các trường hợp đi xe máy vào các tuyến đường cấm.

Nhờ đó, sau 15 ngày ra quân, ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của nhiều lái xe đã có chuyển biến tích cực. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm khoảng 50% so với cùng thời gian trước đó; không xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.  

Thế nhưng, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn từ nay đến cuối năm cũng như về lâu dài - không chỉ dừng lại ở tháng cao điểm - thì lực lượng chức năng của thành phố cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh, tổ chức phân luồng giao thông phù hợp với lưu lượng thực tế, tránh ùn tắc vào giờ cao điểm. Tiếp theo, cần triển khai có hiệu quả công tác duy tu, duy trì cầu, đường, xử lý các bất cập tại những "điểm đen" - bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông kém chất lượng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện tốt tổ chức giao thông, bố trí người hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các công trình.

Cùng với xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn trật tự giao thông, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như lắp camera giám sát để phạt nguội là yêu cầu cần thiết, vừa bảo đảm răn đe, vừa giảm bớt áp lực cho lực lượng Cảnh sát giao thông. Việc này cũng góp phần giảm tiêu cực, vì người vi phạm không thể xin xỏ, nhờ trợ giúp. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, lực lượng Cảnh sát giao thông không nhất thiết phải đuổi theo người vi phạm để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Một giải pháp nữa hết sức quan trọng là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Chỉ khi nào Luật Giao thông đường bộ thật sự đi vào đời sống và trở thành “văn hóa giao thông” thì tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng như tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố mới có thể giảm bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.