Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng phương án sơ tán dân phải bảo đảm an toàn thiên tai, dịch bệnh

Kim Nhuệ - Thanh Hải| 08/09/2021 14:24

(HNMO) - Ngày 8-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với các bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định về ứng phó với bão, mưa, lũ lớn, sạt lở đất... trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến ứng phó bão Conson và mưa, lũ.

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên những ngày vừa qua, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa và sẽ kéo dài đến hết ngày 9-9.

Về diễn biến bão Conson, ông Mai Văn Khiêm thông tin, đêm nay (8-9), bão sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 5 trong năm 2021. Với sức gió mạnh cấp 11-13, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ gặp nguy hiểm... Ảnh hưởng của bão Conson, trên đất liền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt mưa lớn với tổng lượng mưa có thể đạt 200-300mm...

"Với những diễn biến trên, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp... trong những ngày tới", ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.

Ứng phó với bão, mưa lũ, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, các đơn vị quân đội đã huy động hơn 500.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 2.000 phương tiện sẵn sàng tham gia. 15 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định đã rà soát và dự kiến sẽ sơ tán khoảng 73.996 người dân sinh sống ở khu vực ven biển, 114.091 người ở khu vực ven sông và ngoài đê, 70.770 người ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Các tỉnh, thành phố đã họp chỉ đạo cơ quan chức năng chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão và mưa, lũ lớn... Các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình... đang tập trung kiểm tra khu vực trọng điểm, xung yếu, đê biển và hồ chứa...

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác để các bộ ngành, địa phương triển khai ứng phó phù hợp, nhất là dự báo cường độ và thời điểm bão đổ bộ, cường độ và diện mưa. Các tỉnh, thành phố đặc biệt lưu ý xây dựng phương án sơ tán dân phải bảo đảm an toàn thiên tai và phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly...

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; quản lý, hướng dẫn tàu thuyền đang neo đậu tại bến trong đó sẵn sàng bố trí nơi sơ tán an toàn bảo đảm an toàn dịch bệnh cho ngư dân tàu vãng lai.

Các tỉnh, thành phố chủ động chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn lưới điện; kích hoạt hệ thống tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp và an toàn hệ thống đê điều nhất là vị trí trọng điểm, xung yếu, khu vực đang thi công...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công điện về việc ứng phó với diễn biến của bão Conson, yêu cầucác đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra; thực hiện tốt phương châm phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh là “4 tại chỗ + 5K + vắc xin”. Các đơn vị tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó, chủ động kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm tra, diễn tập, chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó... Với các công ty thủy điện trực thuộc; các tổng công ty phát điện, công ty thủy điện tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tuyên truyền, vận hành bảo đảm an toàn, hiệu quả; củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố để bảo đảm cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng phương án sơ tán dân phải bảo đảm an toàn thiên tai, dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.