(HNM) - Hà Nội hiện có 121/401 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm cả huyện Từ Liêm cũ) với kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao…
Là người nặng lòng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô, suốt 5 năm qua, ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Xây dựng nông thôn mới, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT luôn trăn trở, tâm huyết, đóng góp trí lực cho Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng về vấn đề này.
|
Ông Hồ Xuân Hùng. |
Chuyển biến rõ nét- Nguyên là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT rồi làm cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), ông đánh giá như thế nào về Chương trình mục tiêu xây dựng NTM của Hà Nội sau gần 5 năm thực hiện?- Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Hà Nội là không nhỏ. Chương trình nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Qua chương trình, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên càng gần dân, sát dân và xem trọng lợi ích của nhân dân. Về góc độ người dân, dễ nhận thấy là cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp; kinh tế nông thôn từng bước tăng trưởng, chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Không tính huyện Từ Liêm cũ, đến tháng 6-2015, Hà Nội có 109/386 xã được công nhận NTM. Ngoài ra, có 17 xã tự chấm điểm đạt 19 tiêu chí về xây dựng NTM, 141 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 119 xã đạt và cơ bản đạt 10-14 tiêu chí. Năm 2015, Hà Nội có 100 xã đăng ký với thành phố đạt chuẩn NTM. Thành quả đó là sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân.
- Thực tế cho thấy, xây dựng NTM của Hà Nội có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương và cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Cụ thể, Hà Nội có số lượng các xã gấp đôi bình quân của một tỉnh và gấp 6 lần so với TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khác biệt lớn nhất là sự phát triển không đồng đều, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa đô thị và nông thôn. Ông có thể chỉ rõ hơn những áp lực với nông thôn Hà Nội?- Nông thôn Hà Nội còn chịu áp lực lớn về tăng dân số cơ học và sự kỳ vọng của cả nước đối với Thủ đô. Tính phức tạp không chỉ về kinh tế, mà về xã hội lớn vô cùng. Với lực lượng lao động nhập cư, bổ sung nguồn lao động có chất lượng cho Hà Nội, nhưng ngược lại tính đa dạng và phức tạp, thậm chí đẩy tệ nạn xã hội về nông thôn Hà Nội. Còn áp lực đô thị hóa nhanh, bên cạnh mặt tích cực cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết trực diện cho Hà Nội như vấn đề về lao động, việc làm cho lao động nông thôn sau thu hồi đất nông nghiệp. Mặt khác, độ chênh lệch giữa đô thị và nông thôn của các tỉnh là không lớn nhưng với Hà Nội có độ chênh lệch khá lớn. Áp lực này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần mổ sẻ để bàn bạc tháo gỡ.
- Với những vấn đề trên, ông có cho rằng muốn giải quyết hài hòa các mối quan hệ cần phải có lộ trình?- Nếu nói một cách nghiêm túc, giải quyết nông thôn Hà Nội không chỉ cho ngoại thành mà cho chính nội thành Hà Nội. Giải quyết nông thôn Hà Nội không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước, phải đặt vấn đề như vậy để đầu tư cho nông thôn Hà Nội một cách thỏa đáng. Tôi thấy bất ngờ khi Hà Nội đã vượt qua khó khăn để đạt được kết quả khả quan về xây dựng NTM. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình, thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 16 triệu đồng/người/năm, đến nay, con số này đã nâng lên gần 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 2,89% (28.528 hộ dân).
Thành thị… lo cho nông thôn- Dù nông thôn Hà Nội ở thời điểm này đã có sự thay đổi lớn so với những năm trước, tuy nhiên giữa các vùng miền phát triển vẫn không đồng đều, theo ông chúng ta phải làm gì để lấy đầy khoảng trống này?- Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hà Nội thực hiện khá bài bản, căn cơ, nhiều mặt chuyển biến rõ và rất nhanh, bởi Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương. Thuận lợi ở đây trước hết là do trình độ dân trí cao hơn. Cùng với đó, bản thân Hà Nội có nguồn thu lớn, nên khả năng lấy thành thị để hỗ trợ xây dựng NTM là khá thuận lợi. Hà Nội có thể vận động mỗi quận nội thành hay doanh nghiệp đóng trên địa bàn kết nghĩa giúp đỡ một huyện trong xây dựng NTM, tôi tin chắc chắn sẽ có chuyển biến nhanh.
- Ông vừa nói, “lấy thành thị để lo cho nông thôn”, đây là một giải pháp mới trong quá trình triển khai xây dựng chương trình NTM, tuy nhiên việc thực hiện chưa có tiền lệ. Đặt trong một tổng thể bối cảnh hiện nay, theo ông hướng giải quyết cụ thể như thế nào? - Tôi cho rằng, phải tìm hiểu từng huyện, từng xã xem địa phương đó làm được những gì, việc nào khó khăn cần có sự hỗ trợ. Đơn cử như việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, quận nào cũng có nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn tập thể... nếu như hình thành được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, không chỉ đáp ứng được nguồn cung thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tôi tin việc này mỗi quận, mỗi doanh nghiệp đều có thể giúp đỡ được khu vực ngoại thành Hà Nội.
- Nhưng đây chỉ là một mặt của vấn đề, thưa ông?- Tôi đồng ý, nhưng không có nghĩa là không có cách giải quyết. Hà Nội là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ hàng đầu của cả nước, đội ngũ trí thức có thể giúp nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Quan trọng phải phát động khơi thành phong trào, vận động đội ngũ trí thức cùng vào cuộc và tôn vinh họ. Qua theo dõi, tôi thấy Hà Nội đã ứng dụng khá mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy, nền nông nghiệp có những bước chuyển tích cực. Sản xuất nông nghiệp không chỉ được chuyển động theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả, mà còn được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Trong nông nghiệp, muốn phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng không thể thiếu chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản, Hà Nội không phải là ngoại lệ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ở Hà Nội?- Thị trường Hà Nội khá rộng lớn, nông sản nhập khẩu và của cả nước dồn về, đặt một câu hỏi, sản phẩm nông sản của Hà Nội hiện nay đáp ứng được bao nhiêu? Từ cách tiếp cận đó sẽ có lời giải cho bài toán này. Trong trường hợp nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các địa phương khác trong tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân. Tôi lấy ví dụ, một nông dân ở tỉnh Long An, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gà cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh đã tiêu thụ sản phẩm của gần một nửa số trang trại, gia trại chăn nuôi của tỉnh này. Còn đối với người nông dân không còn cách nào khác là phải tự vươn lên. Thời gian qua, Hà Nội thực hiện bài bản và khá thành cuộc “cách mạng” về dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng NTM, tạo ra những vùng sản xuất quy mô mở ra hướng gắn kết doanh nghiệp, HTX, hộ dân trong sản xuất. Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là trong phát triển nông nghiệp Hà Nội đã và đang đi bằng “hai chân”, một là tổ chức tốt sản xuất, hai là đưa khoa học trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chưa hết, Hà Nội còn có chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, qua đó tạo ra sự chuyển động đã khá đồng đều ở các địa phương chứ không dừng ở những xã làm điểm về xây dựng NTM.
NTM cần phát triển ở tầm mức cao - Thực tế ở Hà Nội cho thấy, các địa phương đã phát huy tốt nội lực, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng dân cư để hoàn thành từng tiêu chí xây dựng NTM. Tuy vậy, Hà Nội cũng cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ trung ương và những chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương để hoàn thành mục tiêu đề ra. Xung quanh vấn đề này, ông có thể góp ý rõ hơn, nhất là những giải pháp triển khai thời gian tới?- Với phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo như hiện nay, tôi tin số xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 khoảng 48%-50%, vượt mục tiêu thành phố đề ra khoảng 10% và con số này có thể vượt xa, khoảng 80% hoặc 100% vào năm 2020. Vấn đề ở đây, ngoài sự quan tâm sâu sát của Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Hà Nội phải đặt trong một tổng thể để giải quyết.
Trước hết, bằng nỗ lực của bản thân Hà Nội phải tự vươn lên. Về công tác tuyên truyền, qua theo dõi tôi thấy Báo Hànộimới đã xây dựng các trang chuyên đề về xây dựng NTM, tạo sức lan tỏa khá tốt. Tuy nhiên chưa đủ, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin để tạo sự đồng thuận. Không chỉ truyền thông cho nông dân nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố; ý tôi muốn nói, công tác tuyên truyền có tính dọn đường cho cả nước và các bộ, ngành thấy rõ sự khó khăn, phức tạp của Hà Nội trong xây dựng NTM. Phải nhìn thẳng vào sự thật để không chỉ Hà Nội lo cho Hà Nội mà bộ, ngành trung ương chung sức lo cho Hà Nội. Hiện nhiều địa phương trong cả nước đang nhìn vào Hà Nội là hình mẫu trong xây dựng NTM. Tuyên truyền để gắn kết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phải có trách nhiệm chung sức giúp Hà Nội xây dựng NTM. Nói một lần chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ hiểu ra mới thôi. Nói đến khi nghe rồi làm được. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó…
- Vậy, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội như thế nào để đem lại hiệu quả hơn thưa ông?- Hà Nội đã có đủ đề án, dự án, chương trình xây dựng NTM, việc nào làm trước, việc nào làm sau, những gì nhân dân làm, những gì ngân sách có thể hỗ trợ đều đã rõ. Theo tôi, Hà Nội tích cực hơn nữa tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị, nếu có sự phối hợp tích cực sẽ có chuyển biến nhanh và hiệu quả. Chúng ta có thể thấy một thực tế, Bộ NN&PTNT có thể giúp Hà Nội chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Bộ GTVT giúp Hà Nội cải tạo một số cây cầu yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; Bộ GD-ĐT giúp Hà Nội củng cố cơ sở vật chất trường học, lớp học... Ngay các tổ chức quốc tế cũng vậy, đang đầu tư cho cả nước biết bao nhiêu việc trong nông nghiệp, nông thôn, nếu như nắm được thông tin, chắc chắn sẽ giúp đỡ Hà Nội xây dựng NTM. Vấn đề đặt ra, Hà Nội phải lựa chọn những việc cần làm. Trong thực tế, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn cũng muốn ghi dấu ấn, đóng góp với Thủ đô đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
- Như ông nói, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đang mở ra những triển vọng mới, còn các tiêu chí trong xây dựng NTM phải vươn lên tầm cao, tức là hơn mặt bằng của cả nước. Vậy, Hà Nội cần đột phá từ đâu?
- Tôi thấy Hà Nội đang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái nhưng phải xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp cho riêng mình. Chẳng hạn như sữa Ba Vì đã tạo được tiếng vang, hiện sản phẩm sữa Ba Vì có mặt trên thị trường ở nhiều địa phương, thậm chí, khách du lịch họ cũng biết đến thương hiệu sản phẩm sữa Ba Vì. Cách lựa chọn để xây dựng một số thương hiệu sản phẩm cũng rất quan trọng, làm sao nâng được vị thế của nông sản Thủ đô chứ không phải xây dựng cho có, rồi chẳng hiệu quả gì. Kết hợp các yếu tố này, cộng với sự chung sức xây dựng NTM của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đóng trên địa bàn, NTM của Hà Nội phải xếp ở tầng trên, chứ không phải những gì đề ra trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, thực hiện có hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới nhanh bao nhiêu sẽ giảm áp lực cho nội đô của Hà Nội bấy nhiêu.
- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!