(HNM) - Hà Nội đang triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
Một hộ chăn nuôi quy mô lớn tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là phổ biến
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, thời gian qua, chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội phát triển khá ổn định, trong đó chú trọng vào chất lượng, mở rộng quy mô và phát triển theo xu hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Tổng số hộ chăn nuôi tuy giảm từ 395.000 hộ năm 2011 xuống còn 325.600 hộ năm 2012, song quy mô chăn nuôi bình quân tăng từ 3,8 con/hộ lên 4,2 con/hộ đối với chăn nuôi lợn và từ 46 con/hộ lên 59 con/hộ đối với gia cầm…Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ tới trên 65%. Số hộ chăn nuôi có công trình xử lý chất thải mới chiếm 12,5% (khoảng trên 40.800 hộ) nên môi trường nông thôn vẫn bị ô nhiễm. Nhiều mô hình chưa được thực hiện theo các điều kiện công nghệ cao tại cơ sở để tổ chức cho người dân tham quan, học tập nên hiệu quả không cao. Mặc dù một số hộ đã tổ chức chăn nuôi theo quy mô lớn song chưa tạo ra nhiều chuỗi liên kết đồng bộ từ chăn nuôi, sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng liên tục, giá sản phẩm ngoài thị trường cao trong khi người chăn nuôi xuất bán không ổn định cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (Ba Vì) Nguyễn Đình Hồng - một trong những xã chăn nuôi trọng điểm của thành phố về bò sữa cho biết, sau hơn hai năm thực hiện chăn nuôi theo xã trọng điểm, số hộ chăn nuôi từ 6-8 con trở lên tăng nhanh, công tác môi trường được quan tâm xử lý tốt. Nhưng cái khó là quy mô chăn nuôi hiện còn nhỏ lẻ, một số hộ muốn mở rộng quy mô nhưng lại thiếu vốn. Ông Trần Trọng Long, hộ chăn nuôi quy mô lớn ở Thanh Oai cho biết, các địa phương đã giúp tăng về số lượng vật nuôi nhưng việc tổ chức sản xuất theo chuỗi an toàn chưa được các hộ dân quan tâm nên giá trị sản phẩm tiêu thụ không cao hơn so với chăn nuôi thông thường. Nhiều nơi, nông dân còn chưa chú trọng đến việc phòng chống dịch bệnh khiến chăn nuôi thiếu an toàn, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế của bản thân và môi trường xung quanh.
Hỗ trợ đầu tư để mở rộng quy mô
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để mô hình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm phát triển mạnh, trong thời gian tới, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa các giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Hà Nội vào thực tiễn sản xuất. Thành phố cũng cho khôi phục các giống địa phương quý như gà Mía (Sơn Tây), vịt cỏ (Vân Đình - Ứng Hòa) và xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ giới địa lý, thương hiệu cho một số sản phẩm thế mạnh của Hà Nội để cung cấp tới người tiêu dùng.
Các hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi này đều cho rằng, thành phố cần tạo điều kiện bằng việc ban hành các cơ chế ưu đãi cụ thể, các chính sách hỗ trợ về vốn, con giống và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện cái khó cho chăn nuôi tập trung là bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, trong khi vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất hạn chế nên cần có cơ chế mở để người dân dễ tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ đầu tư các khu xử lý chất thải tại các trang trại chăn nuôi tập trung.
Đánh giá cao hiệu quả của chương trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm của Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, thời gian tới, ngoài việc thành phố quan tâm xem xét tới những ý kiến của người chăn nuôi, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tạo điều kiện hỗ trợ TP Hà Nội thông qua các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực ngành chăn nuôi. Việc quan trọng không kém nữa là cần sớm ban hành quy hoạch chung cho ngành chăn nuôi để các hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.