Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng luật phải xuất phát từ cuộc sống

Vân An| 17/11/2011 11:58

(HNMO) – Ngày 17/11, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu đề nghị, QH nên chấm dứt “bệnh” xây dựng luật theo kiểu dễ làm, khó bỏ...


Đa số ý kiến tập trung phân tích, đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII; các quan điểm, căn cứ lập chương trình, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII theo danh mục các dự án thuộc chương trình chính thức, chương trình chuẩn bị và theo từng lĩnh vực cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII…

Về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, các đại biểu đánh giá, trong vòng 4 năm, Quốc hội đã quyết định rất nhiều các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành được số lượng lớn các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý Nhà nước, xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII là chưa đạt được kết quả như chương trình đề ra, mới thông qua được 67/83 dự án luật, 14 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, vẫn còn 53 nghị định chưa được Chính phủ ban hành khiến luật chậm đi vào cuộc sống.

Hơn nữa trong 4 năm từ 2007 - 2011, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được điều chỉnh đến 5 lấn, điều đó nói lên tính không khoa học và thiếu sự thận trọng, chấp hành không nghiêm tính kỷ luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII. Một số dự án Luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình và rút ra khỏi chương trình quá dễ; một số luật, pháp lệnh được thông qua có chất lượng và tính khả thi chưa cao, chậm đi vào cuộc sống; nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết hướng dẫn mới thi hành được nhưng việc ban hành văn bản này rất chậm, không đảm bảo như tiến độ đề ra…

“Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm không nghiêm, đưa vào, rút ra các dự án luật rất dễ dàng, những luật mang tính bức xúc nhưng chưa được quan tâm đầy đủ như Luật đất đai, Luật biển, Luật ngân sách (sửa đổi)... Tôi đề nghị, cần phải chấm dứt ngay tình trạng dễ làm, khó bỏ trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh, ban hành luật phải xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống”, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói.

Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cũng chung nhận xét, chất lượng luật của Việt Nam hiện không cao, thể hiện qua việc hơn một nửa luật trong chương trình phải sửa đổi luật, trong đó có cả luật mới làm.

“Cử tri nói với tôi rằng Quốc hội các anh làm luật giống như hiện nay đất nước làm đường, xe chạy bao nhiêu là sửa rồi, lãng phí lắm, thế thì chúng ta nên tìm nguyên nhân nó ở đâu. Tôi rất chia sẻ với 2 cơ quan gọi là gác chương trình là Bộ tư pháp và Ủy ban pháp luật với tình trạng mọi người đua nhau để ngành mình, lĩnh vực mình, cơ quan mình làm luật, nhà này có luật thì nhà kia cũng có luật…Tình trạng này đưa cái gọi là thiêng của luật không còn nữa, càng nhiều luật càng rối loạn và càng làm cho kỷ cương pháp luật kém đi”, đại biểu Lịch nói.


Về định hướng, những căn cứ để xác định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, cơ bản các đại biểu Quốc hội nhất trí với kiến nghị nêu trong dự kiến chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải ưu tiên tập trung cho việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và nghị quyết của Quốc hội vừa mới được thông qua về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và các nghị quyết khác về cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Các đại biểu cũng đề nghị, cần phải bám sát vào chương trình để xác định thứ tự ưu tiên, trong đó ưu tiên cho các dự án luật phục vụ cho thực hiện 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển của chúng ta và trong việc tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, phải tính đến mức độ chuẩn bị các dự án luật bảo đảm yêu cầu, điều kiện của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không dồn quá nhiều dự án luật cho một cơ quan soạn thảo; cân nhắc thẩm quyền, trách nhiệm ban hành luật của Quốc hội, Chính phủ, không nhất thiết tất cả mọi dự án đều đưa lên thành luật làm cho Quốc hội quá tải, không bảo đảm được chương trình.

“Qua các kỳ họp của Quốc hội gần đây cho thấy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chỉ thực hiện được 70%- 80% kế hoạch đề ra. Do vậy, tôi đề nghị chỉ nên đưa vào chương trình chính thức từ 80 - 85 dự án luật mới đảm bảo tính khả thi và có điều kiện để nâng cao chất lượng của luật”, đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng nói.

Đại biểu Vinh cũng đề nghị, phải kiên quyết lập lại kỷ cương, kỷ luật hành chính trong xây dựng chương trình luật, pháp lệnh và đưa ra khỏi chương trình chính thức một số dự án luật chưa thực sự cần thiết và chưa đáp ứng được tiêu chí Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đề ra.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng gợi ý, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải phân loại và sắp xếp các luật theo thứ tự ưu tiên dựa vào 3 tiêu chí chính: đáp ứng với yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế trên 3 lĩnh vực theo nghị quyết của Quốc hội; đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại bộ máy nhà nước của chúng ta để thực thi nhiệm vụ; phải đảm bảo được an sinh xã hội theo mục tiêu chính trị của chúng ta.

“Theo tôi nên tăng cường các biện pháp xây dựng pháp luật theo hình thức dùng một luật để sửa nhiều luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Lợi nói.

Từ thực tiễn xây dựng pháp luật, đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau băn khoăn khi thấy, với 86 dự án luật và pháp lệnh đưa ra chương trình chính thức tại khóa XIII, có hơn 50% đưa ra sửa đổi, bổ sung một số điều. Nếu Quốc hội khóa này chưa thực sự mạnh dạn cải cách phương pháp làm luật được hoàn thiện hơn, chắc chắn hơn trong thời gian sắp tới, có lẽ Quốc hội khóa XIV sẽ tương tự phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật như Quốc hội khóa XIII đang làm.

“Tôi kiến nghị ngay sau kỳ họp lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có dự kiến tổng thể tiến độ, mốc thời gian cụ thể chi tiết từng năm, từng kỳ họp trong toàn bộ 86 dự án luật và pháp lệnh, thời gian nào thông qua có quyết định cụ thể. Có như vậy chúng ta mới thực hiện đạt được yêu cầu vì trong thực tế chưa làm hoàn chỉnh trong lĩnh vực này”, đại biểu Hoàng nói.

Chung quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân - TP Hải Phòng nhất trí, nếu cần thiết, Quốc hội phải ra một nghị quyết về tiến độ thời gian thực hiện với các dự án luật mà Quốc hội đã thông qua tại chương trình này để tổ chức các đoàn giám sát. Ngoài giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có thể thành lập một Ủy ban lâm thời của cả khóa để thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng luật cho đúng chương trình. Đây cũng là một biện pháp để tăng cường kỷ luật lập pháp của Quốc hội.

Để đổi mới hoạt động của Quốc hội trong việc xây dựng luật và pháp lệnh, đại biểu Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh còn đề xuất, Quốc hội nên giảm thiểu thời gian hoạt động tại nghị trường toàn thể gắn với nâng cao trách nhiệm của đại biểu chuyên trách lên..

“Tôi cho rằng phiên họp toàn thể mỗi kỳ chỉ nên 15 ngày, còn tăng cường thời lượng của đại biểu chuyên trách để đảm bảo các hoạt động khả thi hơn và thực tế hơn. Còn tại Hội trường này chỉ đi vào những chính sách pháp luật, đi vào những vấn đề nội dung lớn mà phiên họp toàn thể cần phải có ý kiến để các Ban soạn thảo, các đại biểu chuyên trách phối hợp với nhau thiết kế các điều luật cụ thể thể chế hóa được ý kiến chung của toàn Quốc hội chúng ta”, đại biểu Đương nói.

Nhiều đại biểu cũng nhất trí đề nghị đưa ra khỏi các chương trình 5 dự án luật theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội đang tiếp thu, giải trình. Một số đại biểu đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII Luật Kiến trúc sư, Luật lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Pháp lệnh về nhà giáo, Luật nông dân, Luật phòng, chống lạm dụng rượu, bia; Luật quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước; đưa Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tiếp công dân, Luật phòng, chống tội phạm có tổ chức chúng ta nên đưa vào chương trình chính thức, Luật truy nã tội phạm, Luật bảo vệ trật tự an toàn xã hội, Luật tạm giữ, tạm giam… vào chương trình chính thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng luật phải xuất phát từ cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.