(HNM) - Dù Luật Bảo hiểm xã hội chưa có hiệu lực nhưng trước ý kiến của một bộ phận người lao động, Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thống nhất đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 của luật để bảo đảm phù hợp với thực tế. Mặc dù các đại biểu còn có ý kiến khác nhau, song hầu hết đều tán thành việc sửa đổi.
Việc đưa ra sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội, trong khi phải tới năm 2016 luật mới có hiệu lực đặt ra nhiều vấn đề trong công tác lập pháp nói chung, việc xây dựng luật và các văn bản dưới luật nói riêng. Một trong những điều đáng nói chính là nhận thức trong khi làm luật. Lấy ví dụ về Luật Giá, theo luật này, những mặt hàng không thuộc diện bình ổn giá sẽ do thị trường tự điều chỉnh. Tuy nhiên, việc cho phép doanh nghiệp tự định giá mà thiếu chế tài giám sát đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lạm dụng khai báo khống chi phí, tạo "lỗ giả - lãi thật", "tăng giá nhanh - giảm chậm"... Tức là có luật ra đời nhưng lại thiếu điều khoản cần thiết, chặt chẽ.
Thực tế nhiều năm nay, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngành thuế biết họ "lãi thật, lỗ giả" song bất lực vì… Luật Đầu tư thiếu các điều khoản quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. Và ngay ngành thuế cũng thiếu quy định và công cụ để xác định doanh nghiệp chuyển giá như thế nào? Bên cạnh đó, có thể kể đến trường hợp liên quan giá xăng: Năm 2014, giá xăng giảm tới 30% nhưng phần lớn đơn vị kinh doanh vận tải không giảm giá cước hoặc một số có giảm song chỉ… "nhỏ giọt" ở mức từ 5-10%. Những đơn vị này đưa ra nhiều lý do và cơ quan quản lý khó có thể xử lý do hiện tại, chưa có quy định pháp lý buộc doanh nghiệp điều chỉnh tăng, giảm giá cước theo diễn biến giá xăng dầu- nguyên liệu "đầu vào" chính. Phải nói thêm là giá cước vận tải không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Ngoài ra, một mặt hàng luôn gây bất bình dư luận là sữa cho trẻ em. Vì sao giá sữa cứ liên tục tăng trong khi chỉ với quy định về điều kiện quảng cáo của cơ quan quản lý nhà nước, giá thành sữa đã phải giảm? Chưa kể, do luật không kín kẽ nên các doanh nghiệp sữa đã sửa lại bao bì, ghi lại độ tuổi… để lách luật.
Doanh nghiệp lách được luật nghĩa là luật "có vấn đề". Chưa hết, chế tài xử phạt thiếu tính răn đe cũng dẫn đến tình trạng "nhờn luật"; đồng thời, chúng ta còn tốn thời gian, tiền bạc vì phải sửa chữa, bổ sung luật hay các quy định dưới luật. Đặc biệt, tình trạng này còn có nguy cơ gây mất niềm tin vào công cụ pháp lý.
Những lỗ hổng trong các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ khiến Nhà nước bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng tới đông đảo người dân. Từ việc phải đưa ra sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội đến những ví dụ thực tế nêu trên cho thấy, trong hoạt động xây dựng luật, cần rất cẩn trọng, công phu ở khâu lấy ý kiến nhân dân, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi luật, cũng như cần có điều chỉnh kịp thời, bảo đảm phù hợp thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.