(HNM) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh, phần lớn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại của TP nói riêng và vùng TP Hồ Chí Minh nói chung vẫn chưa được xử lý đúng quy định, thậm chí còn bị đổ bừa bãi ra môi trường.
Báo động rác thải nguy hại
Kiểm tra chất thải tại Khu công nghiệp Tân Tạo TP Hồ Chí Minh.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang có tới hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp; trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 800-1.000 tấn chất thải công nghiệp, trong đó chất lỏng chiếm khoảng 50-70%, còn lại là chất rắn và bùn.
Để tái chế và xử lý lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại nói trên, từ nhiều năm nay TP đã hình thành mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý nhưng hoàn toàn do tư nhân quản lý và điều hành. Mãi cho đến năm sau, năm 2003, Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO) mới tham gia thị trường này, song hoàn toàn dùng vốn vay để kinh doanh. Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở TN-MT, vấn đề đáng lo ngại là hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đều có vốn đầu tư (tự có) vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ (theo tiêu chuẩn Việt Nam) với diện tích các nhà máy có sẵn chỉ khoảng vài trăm đến 2.000m2, còn trình độ công nghệ tái chế và xử lý thấp hoặc lỗi thời… nên không xử lý hết và đúng chất lượng chất thải nguy hại của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thải ra. Thậm chí một số nhà máy còn lén lút xả chất thải vào môi trường hoặc chôn dấu ngay trong khuôn viên của nhà máy mà hoàn toàn không xử lý.
Bao giờ có khu xử lý?
TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, để xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đúng quy định, đạt yêu cầu, đòi hỏi DN không những phải có khả năng chuyên môn mà còn phải có tiềm lực kinh tế để có thể đầu tư và đưa vào sử dụng những công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, an toàn với môi trường nhất. Thêm nữa, nên có một khu xử lý tập trung để Nhà nước có thể kiểm tra, kiểm soát và quan trọng hơn, đầu tư tập trung sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành xử lý. TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm một nhà đầu tư đủ khả năng để xây dựng một khu xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và Công ty Môi trường đô thị TP đã được nhắm tới; nhưng hiện công ty này mới chỉ triển khai xây dựng bãi chôn lấp an toàn!
Cách nay vài năm, Chính phủ Nauy đã giúp Việt Nam nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp cho toàn bộ vùng miền Đông Nam bộ. Thế nhưng, tất cả những nghiên cứu, đề xuất này hầu như chưa được triển khai vì địa phương nào cũng ngại, cũng… né. Vì nhiều lý do, gần như không có địa phương nào muốn xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại địa phương mình.
Đây là một tâm lý rất nguy hiểm, nhất là khi sản xuất công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và vùng TP Hồ Chí Minh luôn tăng trưởng mạnh mẽ. "Tại sao lại có thể chấp nhận để rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại trôi nổi trong môi trường sống của chúng ta? Nếu chính quyền các địa phương có tâm lý ngần ngại thì các bộ, ngành trung ương, Chính phủ phải vào cuộc, phải có chỉ đạo quyết liệt, cương quyết" - ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Hồ Chí Minh nhìn nhận. Vấn đề còn lại, theo ông Khoa là phải chọn cho được nhà đầu tư đủ trình độ, có khả năng tài chính, có tâm huyết để giao trọng trách đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải nói chung và chất thải công nghiệp, nguy hại nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.