(HNMO) - Chiều 10-1, Ban Dân vận Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu UBND thành phố kết nối 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã và 579 điểm cầu xã, phường, thị trấn.
Chủ trì hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố.
Phát biểu đề dẫn, khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản nêu rõ: Tính đến năm 2018, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, đã rà soát được 106.383 thôn, làng, có 99.073 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 93,1%) trên cả nước. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến tháng 7-2021, đã có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố đã quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ quan hành chính nhà nước phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
Việc xây dựng các hương ước, quy ước được gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường ở cơ sở… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố cũng còn có những hạn chế cần được điều chỉnh, khắc phục.
“Yêu cầu bức thiết đặt ra là cần có đánh giá tổng thể vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố, đưa việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đi vào cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước thuộc thành phố đối với xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, sau hội nghị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổng hợp các bài tham luận, biên soạn tài liệu kỷ yếu để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới cơ sở. Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho thành phố có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong việc xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, từng cụm dân cư, phát huy vai trò của dòng họ; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với định hướng chung, đồng thời, thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, UBND các cấp, nhất là cấp xã cần huy động sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cộng đồng dân cư; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện hương ước, quy ước, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
“Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố”, đồng chí Lê Hồng Sơn lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.