(HNM) - Thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển thêm 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi… Mục tiêu của Hà Nội là đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Mô hình hiện đại hấp dẫn người dân
Thời điểm mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), thành phố Hà Nội mới chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị và 355 chợ (trong đó, hầu hết các chợ đều đã bị xuống cấp). Đến giai đoạn 2016-2020, quy mô, hoạt động thương mại đã có những bước phát triển mạnh, giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới.
Hiện, trên địa bàn thành phố có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 455 chợ… Điều đáng nói, nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại như: AEON Mall Long Biên, AEON Mall Hà Đông, Vincom Mega Mall, Lotte, hay chuỗi siêu thị Big C, BRG/Hapro mart, Co.opmart… đã hình thành. Hàng hóa được bày bán phong phú, đa dạng, có chất lượng, trong đó hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam được ưu tiên theo đúng tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, tại Hà Nội, các siêu thị, cửa hàng mang thương hiệu BRG/Hapro mart được phát triển tại cả nội thành và ngoại thành, với thiết kế hiện đại.
Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng cũng đã quen thuộc với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới... như: Winmart, Co.op Food, Sói Biển, Bác Tôm hay các siêu thị điện máy như: Thế giới di động, Điện máy xanh, Media mart… Điều đó cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn không chỉ góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, mà còn hỗ trợ bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Các doanh nghiệp bán lẻ như: Hapro, AEON Mall, Winmart, Co.opmart, Big C, Lotte… ngoài việc kinh doanh còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn.
Từ góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ngõ 12 phố Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) nhận xét: “Tại hệ thống thương mại hiện đại, hàng hóa phong phú, giá cả niêm yết rõ ràng, có đội ngũ nhân viên tư vấn chu đáo, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, yên tâm mua sắm”.
Cần những cơ chế, chính sách đặc thù
Mặc dù số lượng siêu thị tại Hà Nội lớn, nhưng việc phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại nội thành nơi có nhiều lợi thế thương mại, mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Còn tại ngoại thành, số lượng siêu thị ít, hiệu quả kinh doanh không cao, nên các nhà đầu tư không mặn mà. Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về tương lai của các trung tâm mua sắm. Đó là sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, nhu cầu không gian bán lẻ chất lượng cao, sức hút của trung tâm thương mại với các tiện ích và trải nghiệm mới…
Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của AEON là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2030, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ngoài các trung tâm mua sắm lớn, AEON Việt Nam sẽ phát triển các mô hình bán lẻ đa dạng. “Chúng tôi vừa ra mắt trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn đầu tiên tại Hà Nội, đồng thời đang nhân rộng mô hình siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu, hướng tới đạt 100 siêu thị đến năm 2025”, ông Furusawa Yasuyuki thông tin.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.