(HNM) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khi trao đổi với PV Báo Hànộimới về chủ trương làm đường trên cao.
Xây đường trên cao ở đâu?
Hà Nội rất cần xây dựng đường trên cao để tránh ùn tắc giao thông.
Đây là vấn đề đang rất được dư luận quan tâm sau khi UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương xây dựng đường trên cao tại nội đô do Sở GTVT Hà Nội và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) đề xuất. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hầu hết tuyến đường nội đô đều quá tải, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để mở đường rất khó khăn. Phương án cần thiết hiện nay là phải xây dựng đường trên cao tại những tuyến trọng điểm và nút giao thường xuyên ùn tắc. Các vị trí có thể lựa chọn xây dựng cầu cạn hoặc đường trên cao như: Ô Chợ Dừa - Voi Phục thuộc đường Vành đai 1, cầu Vĩnh Tuy - Bưởi thuộc đường Vành đai 2, Mai Dịch - cầu Thăng Long và các tuyến trục hướng tâm như Láng Hạ, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh...
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI đề xuất hàng loạt tuyến có thể xây dựng đường trên cao với định hướng thiết lập từ Vành đai 2 trở ra, như từ cầu Vĩnh Tuy đến Bưởi, Mai Dịch - cầu Thăng Long và các trục hướng tâm phía hữu ngạn sông Hồng như tuyến Âu Cơ - Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng - Liễu Giai - Hồ Tây, Hà Đông - Thanh Xuân - Láng Hạ - Giảng Võ, Kim Giang - đường 70.
Một số chuyên gia quy hoạch, kiến trúc cho rằng, nguyên tắc của đường trên cao là phải đi vào những đường trục xuyên tâm, giao thông đối ngoại, không rẽ vào TP hoặc rẽ vào nơi có điểm, nút giao thông. Cụ thể là nên xây dựng tại các tuyến giao thông đối ngoại như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, những tuyến trục xuyên hay với đường vành đai bởi lẽ, chức năng đường vành đai cũng là đường khớp nối. Thích hợp nhất là xây dựng những tuyến, đoạn đường trên cao từ đường Vành đai 2 đến Vành đai 3.
Lợi đến đâu và hại đến đâu?Những ngày qua, đã có những ý kiến lo ngại rằng, việc xuất hiện hàng loạt đường trên cao với những khối bê tông sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị, đặc biệt là các khu phố cổ, phố Pháp, biến nhiều khu vực dân cư thành những phố gầm cầu, ảnh hưởng tới tâm lý, tập quán sinh hoạt của người dân. TP bị phá vỡ cảnh quan, chỉ nhìn thấy đường trên cao mà không thấy gì hết. Bên cạnh đó cũng cần tính đến là Hà Nội hiện chưa có đường trên cao nên công nghệ thi công, xây dựng, bảo trì bảo dưỡng sau này sẽ rất phức tạp. Không cẩn thận, Hà Nội sẽ phải trả giá rất đắt.
Cả ông Phạm Hữu Sơn và ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, xây dựng đường trên cao sẽ phần nào ảnh hưởng tới bộ mặt đô thị song đều khẳng định, đây là phương án khả dĩ nhất để tạo bước đột phá giải quyết ách tắc giao thông. Điểm nổi bật nữa của đường trên cao là không phải GPMB nhiều và rẻ hơn nhiều so với làm đường ngầm. Chi phí bảo dưỡng công trình ngầm rất cao. Thực tế cho thấy các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… đều đã rất thành công với mô hình này.
TS Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông chia sẻ: Hiện nay chi phí GPMB tại Hà Nội rất cao khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Theo ông, tổng chi phí cho dự án đường trên cao sẽ thấp hơn, lượng GPMB sẽ giảm khoảng 80%. Nếu chỉ xây dựng đường trên cao thì thời gian làm 1km đường trong 6-7 tháng, khá nhanh so với tốc độ thực hiện các dự án đường hiện nay. KTS Ngô Doãn Đức, Viện trưởng Viện Kiến trúc cho rằng, đường hai tầng không chỉ giúp có thêm đường mà còn tạo những nút giao thông khác mức. Đó là giao thông tích cực theo xu thế phát triển để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông.
Nhiều chuyên gia khẳng định, đến bây giờ mới nghĩ đến chuyện làm đường trên cao là quá muộn với Hà Nội. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, cần phải có quy hoạch tổng thể đường trên cao, phải gắn kết với công trình giao thông công cộng, cảnh quan, kiến trúc, công trình ngầm, điện, cáp… Đồng thời phải mời chuyên gia nước ngoài giúp đỡ về quy hoạch, về công nghệ bởi họ đi trước Việt Nam hàng vài chục năm.