Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng đồng bộ giải pháp và lộ trình quản lý phương tiện cá nhân

Tuấn Lương| 11/06/2017 06:51

(HNM) - “Các giải pháp và lộ trình quản lý phương tiện cá nhân đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo xây dựng đồng bộ, có tính khả thi cao. Từ nay tới năm 2030 là quỹ thời gian đủ để chúng ta chuyển đổi thói quen, tạo dựng phương thức đi lại mới phù hợp với một đô thị văn minh, hiện đại”...


Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện.


Đủ căn cứ pháp lý

- Dư luận đang đặc biệt quan tâm trước thông tin TP Hà Nội xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân, trong đó đưa ra lộ trình cấm xe máy trong khu vực nội thành từ năm 2030. Ông có thể cho biết những căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn của việc đề ra lộ trình này?

- Bất cứ đô thị nào cũng phải có chính sách cụ thể để quản lý phương tiện giao thông cho phù hợp với điều kiện hạ tầng. Tốc độ gia tăng phương tiện gần đây quá nhanh so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội ngày càng phức tạp. Đó chính là những căn cứ thực tiễn khẳng định việc thực hiện giải pháp tăng cường quản lý phương tiện là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của thành phố.

Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai việc quản lý phương tiện. Trong đó có các văn bản quan trọng như Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 phê duyệt Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông báo 35/TB-VPCP ngày 25-1-2017 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội; Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại”; Nghị quyết 06/2015/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020... Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải đã cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) nghiên cứu và xây dựng Đề án quản lý phương tiện giao thông. Theo kế hoạch, Dự thảo nghị quyết về Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là dự thảo nghị quyết) sẽ được trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp tới.

Có thể nói, giải pháp và lộ trình thực hiện đã được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo xây dựng đồng bộ, có tính khả thi cao trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cơ quan báo chí, sở, ngành thành phố và qua các buổi hội thảo khoa học.

- Sẽ có những nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nói chung, hạn chế xe máy nói riêng?

- Đối tượng chịu tác động là các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn thành phố, do đó dự thảo nghị quyết đề xuất các nhóm giải pháp: Quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý về chất lượng phương tiện; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý...

Trong số các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông hiện nay, thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, tổng thể, dài hạn việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kế hoạch; phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả vận tải hành khách công cộng; tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng); bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh); tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.

Điều kiện tiên quyết để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới dừng hoạt động xe máy là phải phát triển và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng. Hà Nội đang tích cực, khẩn trương triển khai nhiệm vụ này, như: Xây dựng, ban hành và triển khai Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với đó sẽ tập trung triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị và các tuyến buýt nhanh (BRT) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ khi tạo được một mạng lưới giao thông công cộng tổng thể, liên hoàn và có tính kết nối cao thì mới có thể phát huy hiệu quả. Vận tải hành khách công cộng hiện mới đáp ứng được 14 - 15% nhu cầu đi lại của người dân. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ nâng lên ở mức 50 - 55%. Đặc biệt, mạng lưới xe buýt sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực nội thành, tương ứng với việc giảm phương tiện cá nhân, đặc biệt là giảm việc sử dụng xe máy. Trước mắt đến năm 2018, thành phố sẽ lập xong bản đồ số toàn bộ hệ thống đường giao thông, các tuyến xe buýt, BRT, đường sắt đô thị, các điểm bến bãi gửi xe để người dân tiện tra cứu và chọn phương thức vận tải hành khách công cộng phù hợp, thuận tiện nhất.

- Xe máy vẫn là loại phương tiện đi lại chủ đạo của người dân. Với nhiều người, xe máy là tài sản, là phương tiện kiếm sống hằng ngày. Do đó, việc hạn chế xe máy sẽ tác động rất lớn.

- Đúng, xe máy hiện đang là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, song xe máy cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Vì vậy, dự thảo nghị quyết xây dựng các giải pháp cấp bách để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Quan điểm chỉ đạo là các giải pháp đưa ra phải phù hợp với các quy định pháp luật, bảo đảm khoa học và phù hợp thực tế, phục vụ lợi ích của đa số người dân; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng như xe buýt, BRT, đường sắt đô thị... Thành phố kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, không hạn chế việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân.

Quỹ thời gian đủ cho công tác chuẩn bị

- Từ nay đến năm 2030, quỹ thời gian chỉ còn 13 năm liệu có kịp để thực hiện lộ trình này?

- Dự thảo nghị quyết đã đề xuất lộ trình 13 - 14 năm, thời gian cần thiết để chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm thiết lập thói quen sử dụng vận tải hành khách công cộng và thói quen sử dụng giao thông phi cơ giới (đạp xe, đi bộ...). Để thực hiện việc dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030, thành phố đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phục vụ, đáp ứng cao nhất nhu cầu đi lại của nhân dân như: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng khả năng kết nối, tiếp cận vận tải hành khách công cộng, phát triển các không gian đi bộ... Các giải pháp cụ thể sẽ được xây dựng, hoàn thiện chi tiết theo từng giai đoạn, khu vực và lộ trình sau khi được thông qua chủ trương tại kỳ họp tới của HĐND thành phố. Tôi cho rằng, quỹ thời gian đủ và cần thiết để phát triển giao thông công cộng và người dân cũng có bước chuẩn bị để chuyển đổi thói quen và phương thức đi lại phù hợp với một đô thị văn minh, hiện đại.

- Trong dự thảo nghị quyết lấy ý kiến người dân về hạn chế xe máy, thành phố có đặt vấn đề sẽ rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường để thu hồi. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Xe mô tô, xe ba bánh hiện chỉ được quản lý chất lượng trước khi đưa vào lưu hành mà chưa có quy định quản lý chất lượng khi lưu hành. Vì vậy, chủ trương này nhằm kiểm soát chất lượng xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Theo đó sẽ rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) và đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Chính phủ ban hành quy định về an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường cho xe máy, thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do xe máy có chất lượng kém gây ra.

- Vậy thành phố có giải pháp gì để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện?

- Khi đã có văn bản quy định về an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường cho xe máy thì mọi người phải tuân thủ, chấp hành. Chủ trương của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc chuyển đổi phương tiện, như: Có chính sách trợ giá xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ đối với vận tải hành khách công cộng…

- Đến năm 2025 - 2029 sẽ thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày. Vậy việc bố trí quỹ đất để gửi xe máy khi chuyển sang phương tiện công cộng sẽ được tính toán thế nào?

- Bên cạnh việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, trong dự thảo nghị quyết cũng đề cập đến việc quy hoạch và xây dựng bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp nhận, trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Đồng thời, thành phố đang triển khai lập quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu về kết nối, chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

- Chúng ta đang nói tới hạn chế xe máy, còn ô tô cá nhân thì sao, thưa ông? Tốc độ gia tăng ô tô cá nhân đang rất cao cũng gây áp lực lớn lên hạ tầng.

- Với phương tiện giao thông nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, kinh doanh sẽ điều tiết theo khu vực bằng biện pháp kinh tế để hạn chế số lượng tham gia giao thông phù hợp với cơ sở hạ tầng. Ví dụ với loại hình Uber, Grab sẽ quản lý số lượng theo quy hoạch, phù hợp với hạ tầng, không cho phát triển tràn lan.

Thành phố cũng sẽ thực hiện thu phí các phương tiện tham gia giao thông vào một số khu vực. Hiện nay chúng ta chưa có loại phí này nhưng phải đề xuất để HĐND thành phố thống nhất về mặt chủ trương. Sau đó, các sở, ngành liên quan sẽ tham mưu xây dựng đề án, xác định tuyến đường nào cần thu phí, thu phí vào giờ nào, qua đó nhằm điều tiết phương tiện giao thông trong những khoảng thời gian nhất định.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đồng bộ giải pháp và lộ trình quản lý phương tiện cá nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.