Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Hương Ly| 26/12/2021 06:14

(HNM) - “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế…” là một trong 3 khâu đột phá được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh mới đang được các cấp ủy Đảng của thành phố chú trọng đẩy mạnh thực hiện.

Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp thành phố về công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay, tháng 12-2021. Ảnh: Quang Thái

“Tầm nhìn xa” trong quy hoạch, đào tạo cán bộ

Là Đảng bộ lớn, có vai trò, vị trí rất quan trọng với hơn 46 vạn đảng viên, công tác cán bộ của Đảng bộ Hà Nội luôn giữ vị trí “then chốt của then chốt” và có “tầm nhìn xa”.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, thời gian qua, cùng với việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XVI) đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý” nhằm tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ kế cận cũng như những nhiệm kỳ tiếp theo. Căn cứ đề án, các cấp ủy trực thuộc đã vận dụng, tổ chức đào tạo nguồn ban chấp hành, nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý, trong đó có 26 lớp, gồm 2.542 đồng chí vào nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp.

Nói về hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, PGS.TS Phạm Minh Anh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố đã đào tạo 145 cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, 2.542 cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ quận, huyện, thị xã và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025, 8.122 học viên nguồn quy hoạch cấp trưởng, phó các phòng, ban cơ quan, đơn vị và bí thư, phó bí thư các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đảng bộ cấp trên cơ sở. Ngoài ra, nhà trường cũng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 629 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý theo quy định của Bộ Chính trị...

“Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh”, PGS.TS Phạm Minh Anh nói.

Tuy nhiên, thực tiễn sinh động của Đảng bộ Hà Nội với nhiều việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ cũng khiến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thủ đô bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải sớm có những thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung còn chưa toàn diện. Trong đó, nội dung cập nhật công nghệ thông tin, kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ đương chức và quy hoạch còn rập khuôn, thiếu sáng tạo, chưa đổi mới mang tính đột phá; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ chưa được quan tâm đúng mức…

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng cho rằng, Hà Nội hiện là địa phương có số đơn vị hành chính và số lượng cán bộ, công chức, viên chức lớn, với tổng số 140.408 người. Để khắc phục những tồn tại, công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo phải hướng tới mục tiêu bổ sung các kỹ năng, kiến thức còn thiếu hụt, chứ không phải cung cấp cho người được đào tạo những kiến thức họ đã biết, hoặc không còn phù hợp.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Lê Kim Anh nêu đề xuất giải pháp bồi dưỡng, sử dụng cán bộ sau đào tạo tại các cấp hội phụ nữ. Trong đó, cần hoàn thiện chương trình, tài liệu để bồi dưỡng, cập nhật các nội dung mới về công tác xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới cho cán bộ Hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế hiện nay. Cùng với đó, cần thu hút nguồn lực tài chính từ các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tài trợ cho các dự án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Hội.

Tiến sĩ Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, các cấp ủy Đảng của thành phố cần có chiến lược phát triển thu hút và trọng dụng nhân tài vào khu vực công một cách thiết thực, hiệu quả. Mỗi cơ quan, đơn vị phải chủ động phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cùng với thu hút nguồn lực bên ngoài; tạo môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế đãi ngộ hiệu quả để người có tài phát huy khả năng sáng tạo, yên tâm cống hiến. Điều này cũng tạo ra thời cơ để tận dụng những thành tựu, tri thức khoa học của nhân loại, là yếu tố quyết định để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.