(HNM) - Hội nghị Trung ương 7, khóa XII sắp tới (dự kiến khai mạc ngày 7-5-2018) có nội dung bàn và cho ý kiến về đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
(Ảnh minh họa: KT) |
Ông Trần Ngọc Uẩn - Bí thư Chi bộ số 1 - Đảng bộ phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Đảng viên 44 năm tuổi Đảng):
Đảng thống nhất lãnh đạo cán bộ
Nhìn lại chặng đường 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 - khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, có thể thấy rõ, chúng ta đã có nhiều bước “đột phá” trong công tác đánh giá, bổ nhiệm, tuyển dụng nhân tài và kiểm soát, thay thế cán bộ, biểu hiện cụ thể thông qua những thành tựu về chính trị - kinh tế - xã hội đã đạt được. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn mới.
Nói đến công tác cán bộ, trước tiên phải nói đến khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thời gian qua, tuy có chú trọng về đào tạo cơ bản nhưng công tác đào tạo chức danh và kiến thức quản lý lại chưa được coi trọng đúng mức. Việc đào tạo, bồi dưỡng thực tế, đặc biệt công tác luân chuyển cán bộ cấp trên xuống cơ sở còn mang nặng tính hình thức và chưa đi vào thực chất. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ có hiện tượng theo ý chí chủ quan của người đứng đầu hoặc cơ quan tổ chức... Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm “thần tốc” con ông, cháu cha mà Đảng đã mạnh dạn đưa ra xử lý thời gian qua.
Theo tôi, để khắc phục những vấn đề này, thời gian tới chúng ta phải quyết liệt trong nhiều việc: Coi trọng đào tạo chức danh và kỹ năng quản lý. Chú trọng công tác tăng cường đào tạo bồi dưỡng thực tế, phải đưa việc luân chuyển cán bộ thành việc bắt buộc, đặc biệt với chức danh cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tăng cường kiến thức, kinh nghiệm, khả năng quản lý nhuần nhuyễn cho đội ngũ này. Công tác đào tạo, quy hoạch, đánh giá, sử dụng… cán bộ phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đại tá Mai Thế Chính, Khu tập thể 32 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (52 năm tuổi Đảng):
Dân chủ hơn nữa trong lấy tín nhiệm nơi cư trú
Hội nghị Trung ương 7, khóa XII sắp tới có nội dung quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược nên được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược là hết sức cần thiết trong tình hình mới.
Thời gian vừa qua, nổi cộm nhiều vấn đề về công tác cán bộ, nhất là sai phạm và việc thăng tiến “tên lửa”, bổ nhiệm “đúng quy trình”... con "quan" và những người không xứng đáng. Do vậy, công tác cán bộ thời gian tới cần đổi mới quy trình. Đặc biệt, cần tăng cường dân chủ hơn nữa trong việc lấy tín nhiệm nơi cư trú của cán bộ được bổ nhiệm từ cơ sở đến Trung ương để người dân biết, tham gia đóng góp ý kiến. Cần quan tâm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ tham mưu công tác tổ chức cán bộ. Để hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới, cần đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, kiểm tra, giám sát, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ với tinh thần "không có vùng cấm".
Ông Nguyễn Đức Bật, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa (42 năm tuổi Đảng):
Siết chặt quy trình bổ nhiệm
Những trường hợp cán bộ có sai phạm vừa qua cho thấy công tác cán bộ có nhiều vấn đề, từ quy trình bổ nhiệm đến đánh giá cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu từ khâu đầu tiên lựa chọn cán bộ để đưa vào quy trình không đúng, thì cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ được hợp thức hóa. Công tác cán bộ hiện đang thuộc trách nhiệm của cấp ủy, của tổ chức nên không rõ trách nhiệm người đứng đầu. Thậm chí, có việc người đứng đầu núp dưới bóng tập thể, cấp ủy để thực hiện ý đồ cá nhân. Do vậy, công tác cán bộ cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu.
Thực tế, dư luận xã hội băn khoăn về việc "quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng" mà sao cán bộ vẫn mắc nhiều sai phạm? Vấn đề đặt ra hiện nay là lựa chọn cán bộ đưa vào quy trình, chất lượng phải đủ chuẩn. Đơn cử trường hợp Trịnh Xuân Thanh, dù đã làm thất thoát bao nhiêu tỷ đồng khi còn ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí, nhưng lại vẫn được đưa vào quy trình bổ nhiệm “thần tốc”. Cái sai ở đây thể hiện rõ từ việc không bảo đảm chất lượng đầu vào cán bộ. Người dân kỳ vọng vào kỳ họp Hội nghị Trung ương 7 sắp tới thể hiện quyết tâm cao và có những giải pháp mới hơn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.