Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Đảng gắn với khắc phục hạn chế

Quốc Bình| 03/03/2020 07:06

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", điều quan trọng với mỗi đảng viên, cấp ủy các cấp là phải dũng cảm chỉ ra hạn chế, khuyết điểm và đề ra giải pháp khả thi để khắc phục. Đây cũng là con đường hiệu quả để các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ sắp tới.

Quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: Lê Nam

Hiệu ứng tích cực

Thôn Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) từ nhiều năm nay tồn tại vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên diện tích “Ao cá Bác Hồ” rộng 8.000m2. Vụ việc nảy sinh từ năm 2004 khi UBND xã Kim Chung cho ông Nguyễn Mậu Thu (thường trú tại quận Cầu Giấy) thuê diện tích này trái thẩm quyền. Năm 2014, UBND xã đã ra văn bản chấm dứt hợp đồng thuê trên. Thế nhưng từ đó đến cuối năm 2019, khu vực nói trên vẫn tồn tại nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng... 

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh đã chỉ đạo xem xét kỷ luật cán bộ liên quan đến hợp đồng trái thẩm quyền. Trong đó, Chủ tịch UBND xã Kim Chung thời điểm đó, dù đã nghỉ công tác nhưng vẫn chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo. Đặc biệt, ngày 2-1-2020, huyện Đông Anh đã tiến hành cưỡng chế vi phạm tại diện tích nêu trên. “Xử lý dứt điểm vụ việc phức tạp nói trên đã lấy lại niềm tin trong nhân dân địa phương”, Bí thư Chi bộ thôn Nhuế, xã Kim Chung Đỗ Trung Ngự khẳng định.

Cùng với Đảng ủy xã Kim Chung, nhiều cấp ủy Đảng đứng trước những khó khăn đã chọn con đường tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, trên cơ sở kết quả kiểm điểm năm 2018, Quận ủy Hoàn Kiếm đã xác định chủ đề công tác năm 2019 của quận là “Kỷ cương - Phát triển gắn với khắc phục các hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm công tác”. Thực hiện tinh thần này, quận Hoàn Kiếm đã đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ công dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, trong năm 2019, mặc dù tiếp nhận đến 11.957 hồ sơ hành chính, nhưng quận đã giải quyết đúng hạn 100%; cấp phường tiếp nhận 58.160 hồ sơ hành chính, đã giải quyết đúng hạn 58.046 hồ sơ, còn 114 hồ sơ còn trong thời hạn giải quyết.

Ở cấp thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng từng chỉ ra 20 hạn chế, khuyết điểm; từ đó xây dựng 23 kế hoạch, 1 chỉ thị để khắc phục đem lại nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác... Đáng chú ý, xuất phát từ vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Qua hơn 2 năm thực hiện, thành phố đã củng cố được 193 tổ chức cơ sở Đảng khó khăn. Đây được coi là bước đi vững chắc, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua.

Lấy khắc phục hạn chế làm cơ sở xác định đột phá

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, việc tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục đã trở thành nền nếp trong Đảng bộ thành phố Hà Nội. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng. Đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 58 tập thể trực thuộc, tập trung chủ yếu vào những hạn chế, khuyết điểm chính, những vấn đề nổi cộm thuộc phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo về việc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm và xây dựng kế hoạch khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã nêu.

Từ thực tiễn ở địa phương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung khẳng định, nếu để cấp ủy cấp dưới tự kiểm điểm thì có thể không đi đến tận cùng nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, hằng năm Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đều rà soát và gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số tập thể, cá nhân. “Qua theo dõi, sau kiểm điểm sâu, các cá nhân, đơn vị đều có sự tiến bộ hơn trước”, đồng chí Phạm Nguyên Nhung nói.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, mấu chốt của việc gợi ý kiểm điểm sâu là tìm ra những hạn chế, khuyết điểm chính để tập trung khắc phục, phòng ngừa khuyết điểm phát sinh lớn hơn, phức tạp hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh các cấp ủy Đảng đang khẩn trương xây dựng dự thảo Văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thì đây là việc làm rất cấp thiết. Vì muốn tìm ra nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới thì trước hết phải dựa vào hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra.

Chỉ có “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là những hạn chế, khuyết điểm mới có thể tìm ra chính xác những giải pháp cần thiết cho nhiệm kỳ 2020-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đảng gắn với khắc phục hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.