Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng con người: Khâu then chốt!

Anh Vũ| 16/01/2014 05:58

(HNM) - Hôm qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Trong bối cảnh đất nước đang đối diện với nhiều thách thức, cả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, hội nghị này có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ với ý nghĩa xem xét những điều đã làm được và chưa làm được nhằm rút kinh nghiệm, mà còn để mở hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong bối cảnh mới một cách phù hợp, hiệu quả hơn.

15 năm qua, kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ nhờ chủ trương đổi mới sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Môi trường văn hóa, thực tiễn đời sống văn hóa và khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân đã có bước chuyển căn bản theo hướng nâng cao hơn so với trước thời kỳ đổi mới. Nhiều mục tiêu, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII đã được thực hiện, một số được thực hiện tốt, cho kết quả đáng khích lệ, trong đó, quan trọng nhất là sự hình thành rộng rãi quan điểm đúng về vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đặt công tác xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở vị trí trọng tâm, coi trọng việc xây dựng môi trường văn hóa... Việc nhận thức đúng dẫn lối cho hành động của các ngành, các địa phương, các đoàn thể, tạo hiệu quả đáng chú ý trên nhiều mặt công tác như huy động nguồn lực, bảo tồn di sản, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn hóa, đa dạng hóa mô hình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…

Tuy nhiên, từ nhận thức tới hành động thực tế, từ giải pháp, mục tiêu định hướng tới kết quả triển khai thực hiện còn có khoảng cách nhất định. Như ý kiến đánh giá được nêu tại hội nghị, kết quả đạt được trong 15 năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu và chưa vững chắc. Nhìn vào thực tế, dễ thấy một số điểm hạn chế đang kìm hãm khả năng thực hiện mục tiêu định hướng. Môi trường văn hóa đang bị ô nhiễm bởi tệ nạn xã hội; bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rơi vào suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; bởi xu hướng tiêu dùng và cung ứng sản phẩm văn hóa giải trí dễ dãi, thiếu tính thẩm mỹ và tính giáo dục… Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa rất cao nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề gây quan ngại. Giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức có nguy cơ phai nhạt, lung lay trước quan niệm sống "trên tiền" và ý thức kiếm tiền bằng mọi giá ở một bộ phận xã hội. Thiết chế văn hóa được đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế, di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn nhưng hiệu quả phát huy giá trị chưa tương xứng… Về những hạn chế nói trên, dù lật ngược hay nhìn xuôi cũng thấy bóng dáng nguyên nhân từ con người, từ chất lượng nguồn nhân lực với cả vai trò chủ thể sáng tạo ra giá trị vật chất hay tinh thần và quản lý, thụ hưởng các giá trị đó.

“Cơ thể” văn hóa vẫn còn khiếm khuyết dù đã qua 15 năm triển khai thực hiện một nghị quyết có ý nghĩa soi đường và đã rõ là định hướng đúng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Sẽ có nhiều nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được đúc rút nhằm bổ sung hệ giải pháp cho việc tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII trong tình hình mới. Thực tế cho thấy yếu tố con người giữ vị trí trung tâm trong mọi hoạt động, có vai trò quyết định mọi thành - bại và bởi vậy, trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp và nhiệm vụ khác, cần phải tập trung cho mục tiêu xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề quan trọng là hệ giải pháp liên quan đến mục tiêu quan trọng này phải bảo đảm được thực hiện một cách kiên trì, được triển khai hiệu quả trong thực tế, tránh biểu hiện hình thức và căn bệnh thành tích; cần có sự vận hành đồng bộ trong việc thực hiện mục tiêu, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành liên quan và có cơ chế kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng con người: Khâu then chốt!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.