Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm: Lỏng lẻo, chưa có đột phá

Ngọc Quỳnh| 10/12/2016 07:12

(HNM) - Thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp (DN) tiêu thụ và người sản xuất nông sản, thực phẩm gần nhau hơn nhưng chưa tạo kết quả đột phá rõ rệt. Giải “bài toán” đầu ra cho nông sản, thực phẩm an toàn trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành Nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.



Khó nhân rộng


Trong năm 2016, TP Hà Nội xây dựng 36 chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, kết quả chưa mang tính lan truyền rộng rãi và gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện. Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; giấy tờ pháp lý chứng nhận chất lượng sản phẩm để kết nối tiêu thụ ở các kênh phân phối chưa đầy đủ; thiếu DN đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế đóng gói cung cấp các mặt hàng vào siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố… Các DN tham gia trong chuỗi mới dừng ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người dân, chưa có sự hợp tác bài bản giữa DN với nông dân từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình, cung cấp đầu vào vật tư nông nghiệp, xây dựng nhãn hiệu nhằm phát triển chuỗi liên kết theo hướng bền vững, hiệu quả.

Bà Nguyễn Ngọc San - hộ kinh doanh thực phẩm sạch CleverFood cho biết, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới bàn ăn là nhu cầu thiết yếu để quản lý được chất lượng sản phẩm, nhưng quy trình đòi hỏi khắt khe, nông dân phải ghi chép nhật ký chăm sóc, nuôi trồng, nên giá thành sản phẩm thường cao hơn so với sản phẩm truyền thống. Do giá thành cao, dẫn tới số lượng tiêu thụ còn ít nên khó nhân rộng sản xuất.

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Song đến nay mới được hơn 20 chuỗi, bởi chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các hộ cải tạo chuồng trại đạt các tiêu chuẩn VietGAP, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh... Người chăn nuôi chưa chú trọng tới ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao để sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Các DN tham gia chuỗi tiêu thụ khó khăn trong đầu tư cửa hàng bán thực phẩm bảo đảm ATTP phải có trang thiết bị thiết yếu, chuyên dùng như: Tủ lạnh, tủ trữ đông, bảo quản mát, tủ trưng bày, hệ thống máy tính, phần mềm theo dõi quản lý và cân chuyên dùng... Kinh phí đầu tư mua sắm và duy trì bảo quản sản phẩm khá lớn, đầu tư ban đầu cho một cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố tốn kém từ100 đến 300 triệu đồng, chưa kể tiền thuê gian hàng.

Đồng bộ giải pháp

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và nông dân khi xây dựng chuỗi liên kết, cùng với cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ, tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra sản phẩm nông sản, thực phẩm mất an toàn tiêu thụ trên thị trường, nhất là tại chợ cóc, chợ dân sinh; xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm ATTP để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm an toàn.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng, thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng cường mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là chi phí xây dựng thương hiệu, tiền thuê cửa hàng tiêu thụ sản phẩm...; hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất từ việc lựa chọn con giống đến chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng quy trình.

Trước khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm, TP Hà Nội đã nhiều lần đề xuất các bộ: NN&PTNT, Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi và vùng sản xuất; hỗ trợ DN tham gia chuỗi nông sản nhằm tạo sự liên kết giữa các địa phương với nhau, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có hàm lượng chất xám cao; hỗ trợ nông sản đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế. Các chính sách cần quan tâm ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời DN, nông dân tham gia phát triển chuỗi bền vững, hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm: Lỏng lẻo, chưa có đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.