(HNMO) - Những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính - ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh - tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục.
Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm về chính sách quản lý Fintech do Chuyên trang ICTnews của Báo điện tử VietNamNet phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tổ chức ngày 20-8 tại Hà Nội.
Cơ hội cho Fintech phát triển tại Việt Nam
Theo đánh giá của VAFI, Fintech tại Việt Nam có cơ hội phát triển rất lớn. Hiện dân số của nước ta là trên 96 triệu người, trong đó 65,6% sống ở nông thôn nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng là rất cao, nhất là khi hệ thống ngân hàng chưa bao phủ tới nhiều vùng.
Thêm vào đó, cả nước có 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (chiếm 55% dân số); 50 triệu người sử dụng internet (chiếm 52% dân số), điều này cho thấy sự sẵn sàng của người dùng về lựa chọn dịch vụ. Hạ tầng mạng điện thoại di động 3G, 4G phủ sóng khắp cả nước với ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone, sẵn sàng giúp kết nối dịch vụ Fintech.
Trong phần thuyết trình, ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, chủ yếu là trong lĩnh vực thanh toán (với 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép). Ngoài ra, các doanh nghiệp Fintech còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng (như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân...).
"Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng" - ông Ngô Văn Đức nêu rõ.
Tuy nhiên, Fintech phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mà một phần nguyên nhân bắt nguồn từ những lo ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng, dẫn đến việc cơ quan quản lý đưa ra chính sách theo hướng siết chặt.
Xây dựng cơ chế thử nghiệm cho Fintech
"Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đã đưa ra quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech ở mức dưới 50%. Ở mức này sẽ rất khó có thể kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia", ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết.
Theo phân tích của ông Phùng Anh Tuấn, Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư về công nghệ, thị trường đến nhân lực. Do đó, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech.
Chia sẻ quan điểm này, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore đề xuất không nên hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech, do hiện nay, sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các start-up trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi các nguồn lực trong nước chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài sẽ cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực dữ liệu lớn (big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI), vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm, giải pháp cho Fintech.
Về vấn đề này, ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán cho biết, tháng 5-2019, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech. Đề án này không chỉ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được Chính phủ đặt ra.
"Đề án cũng nhằm thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý, hạn chế rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính. Cùng với đó, chúng tôi đang nghiên cứu và xây dựng cơ chế quản lý về cho vay ngang hàng", ông Ngô Văn Đức thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.