Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Xanh hóa” ngành Dệt may

Phương Nhi| 11/05/2019 07:34

(HNM) - Có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước, song ngành Dệt may trong quá trình sản xuất có thể gây ra nhiều tác động tới môi trường.

Sản xuất thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững cho ngành Dệt may.


Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì thế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh và may mặc sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Dệt may vẫn chưa nắm bắt được cơ hội này. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô nhỏ và vừa, vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng. Cơ cấu sử dụng năng lượng của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chủ yếu là sử dụng năng lượng điện (chiếm 70%), năng lượng hóa thạch (29%), còn lại là năng lượng sinh khối. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, ngành Dệt may đang phải chi khoảng 3 tỷ USD cho năng lượng sản xuất, đội giá thành sản xuất lên cao, trở thành một trong những điểm yếu của sản phẩm dệt may.

Bởi vậy, việc cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm sử dụng năng lượng là giải pháp cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh. Đề cập đến vấn đề này, ông Thomas Mills, đại diện thương hiệu Tommy Hifiger cho biết, có 3 lý do chính để doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi. Cụ thể là các đối tác là những thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đang chuyển hướng sang ưu tiên đặt đơn hàng cho những doanh nghiệp xanh; người tiêu dùng sản phẩm trên toàn cầu đã bắt đầu xem xét yếu tố trách nhiệm xã hội với môi trường của doanh nghiệp sản xuất; thương hiệu sản phẩm may mặc đã có hành động sẵn sàng tham gia mục tiêu giảm khí thải nhà kính. Hiện có 148 thương hiệu may mặc lớn trên thế giới tham gia sáng kiến sử dụng năng lượng sạch, sẽ triển khai vào năm 2022…

Thực tế, đầu tư cho công nghệ và quy trình sản xuất xanh không dễ thực hiện, giá cũng không rẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ và nhiều địa phương đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành Dệt may. Cụ thể, những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành đã được Chính phủ và các bộ, ngành ghi nhận, điều chỉnh nhanh chóng. Đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố thành lập riêng khu công nghiệp dành cho hoạt động dệt may. Trong đó, các khu công nghiệp đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải giúp doanh nghiệp hoàn thiện trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Ngược lại, để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, cũng rất cần sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp.

Ông Jorg Bauersachs, Tổng Giám đốc Nhà máy Nhuộm Tập đoàn Tal (Khu công nghiệp Sông Công - Thái Nguyên) cho biết, nhờ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, đơn vị giảm được 26% lượng khí thải, giảm 36% lượng nước cho áo quần sản xuất ra. Từ những mô hình tiết kiệm năng lượng hiệu quả này, cần thiết phải nhân rộng ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may nhằm cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát sinh chất thải ra môi trường.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may không còn cách nào khác là phải sở hữu “bộ công cụ cạnh tranh” mới gồm: Tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) thông qua nhiều giải pháp, trong đó có năng suất lao động cá nhân bằng tự động hóa. Ngoài ra, việc quan tâm công nghệ mới, liên kết các doanh nghiệp với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh những năm tới…

Ngoài ra, để giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước như vốn, cơ chế ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay… dành cho những doanh nghiệp, dự án đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xanh hóa” ngành Dệt may

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.