Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư công trung hạn

Võ Lâm| 11/11/2016 06:13

(HNM) - Ngày 10-11, với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tinh thần xác định rõ thứ tự ưu tiên; thảo luận dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Các dự án điện, đường, trường, trạm đang cần nguồn vốn đầu tư lớn từ ngân sách. Trong ảnh: Trường Tiểu học Song Phượng, huyện Đan Phượng.Ảnh: Bá Hoạt


Quốc hội cũng xem xét Tờ trình của Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Với 89,88% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng. Trong số này, vốn ngân sách trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng…

Về các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội quyết nghị bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chi 43.119 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và 29.698 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững.

Dành 5.000 tỷ đồng GPMB Sân bay Long Thành

Quốc hội quyết định bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia…

Về thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, Quốc hội quyết nghị: Đối với nguồn vốn trong nước, bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước; không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31-12-2014. Tiếp đó ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP)... Sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.

Làm rõ quy định về khoán xe công

Thảo luận về dự án Luật Quản lý tài sản nhà nước (sửa đổi), ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước như dự thảo luật quy định chưa hợp lý. Khoản 3, Điều 34 quy định, cơ quan nhà nước chưa sử dụng hết công suất hội trường, phương tiện vận tải có thể cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sử dụng và thu một khoản kinh phí. Về bản chất, đây chính là hình thức cho thuê tài sản, tạo kẽ hở cho cơ quan tổ chức lợi dụng để kinh doanh, thu lợi nhuận. ĐB kiến nghị, tài sản nhà nước nếu không sử dụng hết công suất có thể điều chuyển cho các cơ quan khác chứ không kinh doanh thu lợi nhuận.

Về khoán xe công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhận định, dự thảo mới chỉ dừng ở mức nêu vấn đề, chưa quy định rõ khoán xe là áp dụng bắt buộc hay mang tính tự nguyện; chưa làm rõ cách tính mức khoán cũng như thời điểm áp dụng, lộ trình thực hiện. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị bổ sung quy định kho biển số xe, số điện thoại là tài sản nhà nước để đấu giá tăng thu cho ngân sách. Chẳng hạn, năm 2008, tỉnh Nghệ An thí điểm bán đấu giá một biển số xe tứ quý 9 thu 700 triệu đồng. Tháng 10 vừa qua, một số điện thoại 6 số 8 được bán đấu giá hơn 1,6 tỷ đồng. ĐB phân tích, số xe ô tô bán năm 2016 là 300.000 chiếc, 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm 1,8 triệu xe ô tô. Nếu bình quân 25 triệu đồng/biển số thì 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm nguồn thu 45.000 tỷ đồng…

Trước đó, thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi, các ĐBQH cho rằng, việc ban hành luật sẽ góp phần khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác TGPL; đồng thời góp ý hoàn thiện một số nội dung cụ thể. ĐB Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết, từ năm 2011-2015, cả nước ghi nhận có 157.859 vụ bạo lực gia đình, nhưng 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến TGPL, trừ các vụ việc nghiêm trọng hay các vụ xử lý hình sự. ĐB kỳ vọng, việc ban hành Luật TGPL (sửa đổi) sẽ giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL, các cơ quan TGPL thực sự là chỗ dựa tin cậy của những người yếu thế.

Các ĐBQH đồng tình với việc quy định 3 hình thức TGPL là tham gia tố tụng, đại diện vào tố tụng và tư vấn pháp luật. “Đây là thời điểm cần định hình hoạt động TGPL về đúng bản chất là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, hướng vào trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu của những người gặp khó khăn về pháp lý” - ĐB Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nêu ý kiến. Một số ĐB đề nghị bổ sung diện được TGPL, trong đó có đối tượng trẻ vị thành niên bị khởi tố hình sự.

Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang dự khán phiên họp toàn thể 

Sáng 10-11, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Trương Đức Giang và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã dự khán phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam. Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chuyến thăm của đồng chí Trương Đức Giang có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Trung Quốc cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc, giữa hai nhóm đại biểu Quốc hội Việt Nam - Trung Quốc. 

lTrong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 10-11, tại Hà Nội, đồng chí Trương Đức Giang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến thăm, khảo sát dự án xây dựng Cung hữu nghị Việt - Trung. 

lChiều cùng ngày, đồng chí Trương Đức Giang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã đến thăm TP Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, đồng chí Trương Đức Giang đã có cuộc gặp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã đến chào. 
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư công trung hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.