(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch ký sắc lệnh nhằm hủy bỏ quyền được cấp quốc tịch đối với trẻ em nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh dòng người nhập cư Trung Mỹ đang ùn ùn đổ về phía Bắc nhằm thực hiện “giấc mơ Mỹ”, gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Ngày 29-10, Tổng thống D.Trump đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với hàng nghìn người tị nạn đang kéo về biên giới Mỹ. Washington cũng có kế hoạch triển khai 5.200 binh sĩ để đối phó với tình trạng này.
Tổng thống Mỹ vẫn duy trì quan điểm quyết liệt và cứng rắn đối với vấn đề nhập cư. |
Thực tế, một số nước châu Âu từng chấp nhận quyền công dân nghiễm nhiên của trẻ em sinh ra trên lãnh thổ của họ, nhưng nay đã bãi bỏ. Một ví dụ là việc Anh đã bỏ quyền này từ năm 1983 và hiện nay, trẻ em sinh ra trên lãnh thổ đảo quốc Sương mù chỉ nghiễm nhiên có quốc tịch Anh nếu cha hoặc mẹ đã có quy chế định cư hợp pháp. Một điều tra của Pew Research Center công bố năm 2016 cho thấy, có 275 nghìn trẻ em sinh ra tại Mỹ năm 2014 có cha mẹ là người di cư trái phép, tương đương 7% tổng số trẻ em sinh ra. Cùng năm đó, số lượng người di cư trái phép tại Mỹ là khoảng 11,1 triệu người, chiếm 3,5% dân số.
Quyền công dân và quốc tịch tính theo nơi sinh (birthright citizenship) đã được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ từ năm 1868. Cụ thể, Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ viết rằng, tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc tịch Mỹ đều là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống. Vì vậy, các chuyên gia luật cho rằng kế hoạch mới của ông chủ Nhà Trắng đang đi ngược lại Hiến pháp Mỹ.
Nhiều học giả pháp lý cho rằng, vấn đề cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh là con của những người nhập cư bất hợp pháp còn cần xem xét tới phán quyết năm 1898 của Tòa án Tối cao Mỹ, vốn đã tạo ra một án lệ quan trọng. Khi đó, người đàn ông mang tên Wong Kim Ark (sinh ra ở Mỹ nhưng có cha mẹ là người Trung Quốc định cư bất hợp pháp) đã bị chặn tái nhập cảnh vì ông này không phải là công dân Mỹ. Tuy nhiên, ông Wong đã khiếu nại và thắng kiện. Tòa án Tối cao Mỹ khi đó phán quyết rằng, Tu chính án thứ 14 được áp dụng với tất cả người sinh ra ở Mỹ, ngoại trừ những đứa trẻ là con kẻ thù của nước Mỹ, con của các nhà ngoại giao nước ngoài...
Trước sức ép dư luận, Tổng thống Mỹ vẫn tự tin khẳng định đã thảo luận vấn đề này với các cố vấn pháp luật, đồng thời hy vọng kế hoạch sẽ sớm trở thành hiện thực. Ông D.Trump cũng cho rằng, "mọi thứ còn đơn giản hơn vào lúc này, và quyết định nói trên có thể được thực hiện thông qua sự đồng tình của Quốc hội Mỹ". Một số tiếng nói ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ phân tích rằng, những ngôn từ trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp nước này đang bị hiểu sai, bởi việc cho thừa kế quyền công dân ở đây là áp dụng cho công dân Mỹ và thường trú hợp pháp, chứ không phải dành cho người nhập cư trái phép.
Giới quan sát cho rằng, quyết định lần này cho thấy Tổng thống Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn và hết sức quyết liệt đối với vấn đề nhập cư. Đây là động thái cần thiết nhằm giữ vững ưu thế của đảng Cộng hòa trong lưỡng viện Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra. Cho dù kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng có trở thành hiện thực hay không thì nguyện vọng theo đuổi “giấc mơ Mỹ” đối với nhiều người di cư sẽ trở nên xa vời và khó khăn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.