(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 198/KH-UBND và Kế hoạch 199/KH-UBND về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục, thể thao và phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố. Có thể coi đây là hai "sợi chỉ đỏ" quan trọng, gợi mở các hướng đi, cách làm phù hợp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thể dục, thể thao trong thời gian tới.
Những khó khăn không dễ tháo gỡ
Tại cuộc thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 46 - Vì hòa bình của huyện Phú Xuyên năm 2019 mới đây trên đường chạy của Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), ông Phùng Khắc Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên thở phào nhìn đường chạy sạch đẹp sau cơn mưa nặng hạt hồi đêm.
"May mà liên hệ được với doanh nghiệp để vận động viên có đường chạy bảo đảm việc tính thành tích chính xác, chứ đường chạy trong sân vận động của huyện khá trơn, trượt, dễ ngã, ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của các vận động viên” - ông Phùng Khắc Tùng chia sẻ.
Phú Xuyên không phải là địa phương duy nhất ở Hà Nội gặp khó khăn trong phát triển thể dục, thể thao quần chúng và phát huy nguồn lực xã hội hóa thể dục, thể thao. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì Bùi Trần Hà cho biết: "Ba Vì khá hơn Phú Xuyên, vì còn có nhà thi đấu có mái che, nhưng công tác xã hội hóa thể dục, thể thao cũng gặp vô vàn khó khăn, rất khó thành lập các câu lạc bộ và khó vận động tài trợ. Ngay như với sân vận động của huyện, trung tâm mời gọi được doanh nghiệp cùng vào đầu tư, khai thác sân từ năm 2015 đến nay, giá thuê sân rất rẻ mà doanh số vẫn không đáng kể. Nguồn thu từ nhà thi đấu cũng vậy. Các câu lạc bộ chỉ thu 100.000 đồng/ tháng/người, nhưng cũng không có nhiều người tập".
Khó khăn trong việc đẩy mạnh xã hội hóa thể dục, thể thao, phát triển thể dục, thể thao quần chúng không chỉ xảy ra ở các huyện nghèo, mà ngay cả với các quận. Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Ba Đình Nguyễn Tiến Dũng, các quận, huyện, thị xã đang chỉ đạo giao tự chủ thu, chi cho các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao.
Đối với quận Ba Đình, mặc dù có nguồn thu, nhưng nếu giao tự chủ một phần về điện, nước, sửa chữa nhỏ thì trung tâm còn "kham" được, song nếu giao tự chủ chi thường xuyên (trả lương, bảo hiểm cho hơn 50 cán bộ, nhân viên; chi phí điện, nước, văn phòng phẩm...), với khoản chi lên tới hơn 200 triệu đồng/tháng, thì sẽ thực sự là bài toán nan giải. Bởi, với đơn vị sự nghiệp, chức năng chính là quản lý, tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao thay vì kinh doanh thuần túy.
Gợi mở những cách làm mới
Ngày 5-9-2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký ban hành 2 bản kế hoạch quan trọng, đó là Kế hoạch số 198/KH-UBND về đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục, thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2025 và Kế hoạch số 199/KH-UBND về việc phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu: 100% xã, phường, thị trấn có nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng; bể bơi đơn giản hoặc bể bơi thông minh; sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời; tối thiểu 50% xã phường thị trấn có điểm tập thể dục, thể thao miễn phí ngoài trời; mỗi năm cấp thành phố tổ chức 55-60 giải thể thao quần chúng, cấp quận, huyện, thị xã 30-35 giải, cấp phường, xã, cơ quan, trường học 5-6 giải...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Mục tiêu hàng đầu của Kế hoạch số 199/KH-UBND là để góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô; còn Kế hoạch số 198/KH-UBND chính là nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội vào việc phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, từng bước xã hội hóa các môn thể thao.
Có thể thấy, thông qua 2 bản kế hoạch được coi là "sợi chỉ đỏ" dẫn đường này, các đơn vị sẽ được gợi mở thêm nhiều căn cứ để đề xuất lãnh đạo địa phương tạo cơ chế hỗ trợ phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Ba Đình Nguyễn Tiến Dũng kỳ vọng: "Hai kế hoạch này của thành phố đề cập nhiều đến các cụm từ "khuyến khích", "ưu tiên", "thúc đẩy sự sáng tạo về cách làm"... Chúng tôi mong lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng các văn bản triển khai sẽ cụ thể hóa hơn những công việc đó. Chẳng hạn, đối với công trình, thiết chế thể thao được khai thác kinh doanh đúng mục đích phục vụ công tác tập luyện, thi đấu, phải có ưu đãi về thuế đất kinh doanh, thay vì áp thuế đại trà kiểu bán bia, cà phê, tổ chức tiệc cưới... Trong quá trình từng bước tự chủ, các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cần được duy trì kinh phí phát triển sự nghiệp để bảo đảm nguồn cho các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao thể lực, phòng chống tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân...".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, việc triển khai kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trên cơ sở từng bước đi thận trọng, bởi không cẩn thận sẽ làm suy giảm đà phát triển của phong trào. Tùy từng môn mới có thể thực hiện được xã hội hóa, qua đó, góp phần phát triển thể dục, thể thao quần chúng nói chung.
“Việc Hà Nội kịp thời, chủ động ban hành 2 bản kế hoạch về phát triển thể dục, thể thao quần chúng và đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục, thể thao trên địa bàn chắc chắn sẽ tạo đà cho sự phát triển phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho thể dục, thể thao theo hướng ngày càng hiện đại, toàn diện. Đây cũng chính là cơ hội để đánh giá phong trào thể dục, thể thao; là dịp rà soát toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ thể dục, thể thao trên địa bàn Hà Nội, để có sự đầu tư một cách thấu đáo, hướng tới việc đăng cai thành công SEA Games 31-2021".
Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Thị Chiên
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.