Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã hội hóa để gần dân hơn

Tuấn Kiệt| 21/11/2017 07:06

(HNM) - Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển công tác này ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân.

Nhà nước xác định vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật; bảo vệ công lý, công bằng xã hội; tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân; đưa pháp luật vào cuộc sống.

Tuy nhiên, với việc Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi năm 2017 mở rộng diện người được trợ giúp từ 6 lên 14 đối tượng, sẽ có khoảng hơn 40 triệu người được trợ giúp pháp lý. Tăng đối tượng đồng nghĩa tăng chi ngân sách. Đây sẽ là khó khăn cho Nhà nước, cũng đồng nghĩa cơ hội được trợ giúp pháp lý của người dân còn có những trở ngại.

Thực tế, thời gian qua, các trung tâm trợ giúp pháp lý được tổ chức dưới mô hình là đơn vị sự nghiệp, ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí hoạt động. Trong khi nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, đặc biệt là người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa... dẫn đến tình trạng người dân không có cơ hội tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách đầy đủ.

Chính vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Thực tế về mặt chính sách, quan điểm xã hội hóa trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời năm 2006, thu hút được nhiều chủ thể như các công ty luật, văn phòng luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật và cả các cá nhân (nhà khoa học, chuyên gia pháp lý…) tham gia, bảo đảm quyền được giúp đỡ về mặt pháp lý của người được trợ giúp. Tuy nhiên, đến nay, công tác xã hội hóa trợ giúp pháp lý vẫn chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng, đòi hỏi phải có sự đổi mới để tương thích với tình hình mới.

Hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để chuyển giao toàn bộ hoạt động trợ giúp pháp lý cho xã hội thực hiện, với vai trò chính thuộc về các luật sư. Do vậy, nên chăng cần đẩy mạnh phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý theo mô hình hỗn hợp, với vai trò chính là của Nhà nước có sự hỗ trợ tích cực từ xã hội.

Lúc này, cần thiết có sự rà soát, phân loại sắp xếp lại tổ chức của các trung tâm trợ giúp để có sự phối hợp hiệu quả. Nhà nước tạo môi trường pháp lý thông thoáng để huy động các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý, thu hút mọi nguồn lực hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý. Làm tốt điều này tức là phát huy được nguồn lực lớn của đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý sẵn có, không phải thực hiện khâu đào tạo.

Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia hoạt động trợ giúp; có chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Có thể khẳng định, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ tận dụng được trí tuệ, trình độ, nguồn lực trong xã hội mà còn góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước về biên chế, ngân sách và các chi phí hành chính khác. Song song với việc bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì việc mở rộng thành phần tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý là việc cần làm để luật gần dân hơn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa để gần dân hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.