(HNM) - Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xung đột tại Ukraine không những làm giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2022, mà còn kéo lùi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhiều khu vực và mang tới nhiều rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn. WTO cho rằng, xung đột Nga - Ukraine còn khiến nền kinh tế thế giới hình thành các khối riêng biệt, đi ngược lại tiến trình phát triển theo chuỗi cung ứng toàn cầu lâu nay.
Trong phân tích mới đưa ra về tác động từ chiến sự tại Ukraine, Ban Thư ký WTO nhận định, cuộc xung đột đã giáng “một đòn mạnh” vào nền kinh tế toàn cầu, dự báo có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2022 giảm 0,7-1,3%, xuống còn 3,1-3,75%. WTO cũng dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần 50%, tức là chỉ còn 2,4-3% thay vì 4,7% trong dự báo gần nhất vào cuối năm 2021. Về dài hạn, tình trạng này có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 5% do tác động hạn chế cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới.
Những tác động tiêu cực xảy ra khác biệt ở từng khu vực. Châu Âu trở thành “nạn nhân” trực tiếp khi là điểm đến chính của hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine. Các dự báo tới nay cho rằng, kinh tế châu Âu có thể giảm gần 9% trong năm 2022, nghiêm trọng hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong đó, GDP của riêng các nước Đông Âu dự kiến giảm 30,7%. Bên ngoài châu Âu, hậu quả nghiêm trọng sẽ còn lan tới Mỹ Latinh, Caribbean, Trung Đông, Trung Á, châu Phi.
Sự bi quan của WTO tương đồng với quan điểm của của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Đầu năm nay, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 4,4%, nhưng tới đầu tháng 3, Tổng Giám đốc Kristalina Georgieva nhận định, mức này khó đạt được trong bối cảnh chiến sự bùng nổ khiến số lượng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên tục gia tăng. Trong khi đó, WB cho rằng, kinh tế Ukraine trong năm 2022 sẽ giảm tới 45,1%, sâu hơn so với mức 10-35% đưa ra vào cuối năm ngoái. Riêng GDP của Nga được dự báo giảm 11,2%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự suy giảm khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của hai quốc gia Đông Âu này đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các cảnh báo mới đây chỉ ra nguy cơ thiếu hụt mới với palladium và rhodium - hai nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác khí thải cho ô tô, từ Nga. Theo hãng kiểm toán và tư vấn kinh tế tài chính Deloitte, giá của phụ tùng này đã tăng 80% kể từ khi chiến sự nổ ra. Cùng với đó, hoạt động sản xuất chất bán dẫn toàn cầu giờ đây đình trệ bởi 70% lượng khí neon cần thiết đến từ Ukraine. Thiếu hụt nguyên liệu thiết yếu này không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ thông tin, mà còn ảnh hưởng đến sản xuất ô tô và nhiều lĩnh vực khác. Trong khi đó, Nga vẫn chiếm 9,4% thị phần nhiên liệu thế giới, 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Nga và Ukraine cũng xuất khẩu khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 60% dầu hướng dương của toàn cầu.
Về lâu dài, WTO cho rằng xung đột Nga - Ukraine còn khiến nền kinh tế thế giới hình thành các khối riêng biệt, đi ngược lại tiến trình phát triển lâu nay. Các hàng rào trừng phạt sẽ khiến các nền kinh tế lớn chia tách với mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất và thương mại. Nhóm doanh nghiệp cũng tìm cách giảm rủi ro thông qua tái cơ cấu chuỗi cung ứng theo hướng nhỏ hẹp hơn. Diễn biến này đương nhiên khiến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển gặp khó, do mất đi cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể thấy, nền kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro từ những biến cố tại Đông Âu. Trong bối cảnh đó, những tổ chức thương mại đa phương cần vai trò định hướng, điều tiết nhằm giảm thiểu thiệt hại tiềm tàng, bảo đảm nền kinh tế toàn cầu đi đúng lộ trình phục hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.